Toà án có phải chỉ định luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch AIC nếu xét xử vắng mặt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự kiến ngày 21-12 tới, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 35 bị cáo. Vậy quyền bào chữa của bị cáo đang bị truy nã được thực hiện như thế nào?

TAND TP Hà Nội vừa có quyết định đưa ra xét xử vụ án 'thông thầu' tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, dù hiện nữ Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người giữ vai trò chính trong vụ án vẫn đang bỏ trốn.

Phiên tòa dự kiến được mở ngày 21/12/2022 và kéo dài 20 ngày với các bị cáo gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.

Trong đó, có 8 bị cáo bỏ trốn, bị truy nã như Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà,... Vậy, trong trường hợp này, quyền bào chữa của bị cáo đang bị truy nã được thực hiện ra sao?

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm

Làm rõ nội dung trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với bị cáo bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt thì trong một số trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa.

Khoản 2, Điều 290 Bộ luật TTHS 2015 quy định, Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa…

Trong vụ án trên, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm khác bị kết luận điều tra và bị truy tố vắng mặt (khi đang bị truy nã) và sắp tới sẽ bị xét xử vắng mặt nếu như không trình diện (đầu thú) hoặc không bị bắt giữ trước ngày mở phiên tòa.

Về quyền bào chữa của bị cáo đang bị truy nã, Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh, quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những quyền cơ bản bắt đầu từ khi bị buộc tội cho đến khi vụ án hình sự kết thúc.

Bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Nếu bị can, bị cáo bỏ trốn và bị truy nã thì gần như không thực hiện được các quyền mà pháp luật đã ghi nhận trong đó có quyền tự bào chữa. Còn đối với quyền nhờ người khác bào chữa, bị cáo cũng phải thể hiện ý chí của mình với người bào chữa hoặc thông qua người thân để mời người bào chữa.

Song với chính sách khoan hồng, nhân đạo, pháp luật hiện hành còn quy định về trường hợp "cử người bào chữa" cho bị can, bị cáo trong một số trường hợp đặc biệt như bị can bị cáo là người chưa thành niên, có nhược điểm về thể chất tinh thần, người bị xét xử ở khung hình phạt có hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Với những trường hợp này, pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa. Nếu bị can, bị cáo hoặc người thân của họ không nhờ người khác bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cử người bào chữa và nhà nước sẽ chi trả thù lao và chi phí cho những người bào chữa này theo quy định.

Trong vụ việc liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, theo nội dung cáo trạng, nhiều bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Do vậy, các bị cáo này đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tại phiên tòa. Nếu họ không nhờ người khác bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa và có trách nhiệm phải chi trả, thanh toán thù lao và chi phí cho họ.

Những người bào chữa theo chỉ định sẽ sử dụng chứng cứ, đưa ra những lập luận để bào chữa theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ cho các bị cáo.