Tổ công tác của Thủ tướng ra "tối hậu thư" bồi thường sự cố môi trường

ANTD.VN - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là giải phóng hải sản tồn kho để  đưa ra thị trường tiêu thụ, tiền bồi thường phải đến tận tay người dân trước ngày 25-12. 

“Thủ tướng rất sốt ruột”

Chiều 15-12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình tỉnh Quảng Bình thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó có các kết luận, chỉ đạo liên quan đến sự cố môi trường biển, đặc biệt là tình hình giải quyết (tiêu thụ, tiêu hủy) các lô hàng hải sản thu mua tạm trữ đang tồn kho.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại 4 tỉnh miền Trung có 5.369 tấn hải sản thu mua, tạm trữ còn tồn kho, trong đó riêng Quảng Bình nhiều nhất với 3.265 tấn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số này có hơn 2.658 tấn bảo đảm an toàn thực phẩm, hơn 606 tấn không bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Quảng Bình đã nghiêm túc thực hiện tiêu hủy hải sản nhiễm độc. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh vấn đề tiêu thụ hơn 2.600 tấn hải sản hiện đang tồn kho, đây là vấn đề cấp bách nhất.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất sốt ruột vấn đề này. Bộ Y tế đã khẳng định số hải sản còn lại là bảo đảm an toàn, thì làm thế nào để giúp người dân tiêu thụ càng nhanh còn tốt, khẳng định cá Quảng Bình đã sạch. Vì hải sản để tồn kho càng lâu thì chất lượng càng suy giảm, chi phí bảo quản càng tăng”, Bộ trưởng nói. 

Cùng với đó là vấn đề chi trả bồi thường cho người dân, bởi sau khi chi trả thì người dân mới đưa hải sản tồn kho đi tiêu thụ. Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng giá trị thiệt hại của tỉnh Quảng Bình là hơn 2.588 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã ứng chuyển cho tỉnh 1.100 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chi trả việc bồi thường theo hướng hải sản tiêu hủy sẽ được bồi thường 100% giá trị, hải sản tồn kho sẽ được hỗ trợ 30% giá trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh đã niêm phong toàn bộ các kho hải sản tồn kho, sắp tới tỉnh sẽ lập 8 tổ, kiểm kê lại toàn bộ số hàng này và chi trả bồi thường toàn bộ cho người dân. Tuy nhiên, một vướng mắc là chưa xác định được đơn giá cụ thể. 

Về tiêu thụ, ông Hoài nêu quan điểm người dân, doanh nghiệp phải chủ động tối đa, vì đã được hỗ trợ tới 30% giá trị, đồng thời đề nghị các bộ, ngành kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ số hải sản tồn kho.

Nghe xong, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hữu Hoài về thời gian giải phóng các kho bảo quản hải sản cũng như chi trả bồi thường cho người dân.

“Chốt lại là bao giờ xong. Không thể để niêm phong mãi như vậy, kho cá của người dân mà ta lại cầm chìa khóa. Tinh thần là phải làm ngay, làm nhanh. Theo tôi, kho ít chỉ cần 2 ngày, kho nhiều nhiều nhất là 6 ngày”, Bộ trưởng yêu cầu. 

Tiền phải đến tay dân, không bớt xén

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ đã có quyết định chính thức về đơn giá bồi thường cho từng loại hải sản như kiến nghị của tỉnh. Bộ cũng đã làm việc với các doanh nghiệp lớn về phân phối như BigC, Sài Gòn Coop, Metro… để giúp người dân tiêu thụ hải sản. 

Về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu với số cá đã tiêu hủy, chậm nhất tới 20-12 phải chi trả bồi thường cho người dân. Với 2.600 tấn cá sạch tồn kho, phải kiểm kê xong trước 20-12 và tiến hành chi trả chậm nhất trước ngày 25-12. 

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, ngành và tỉnh đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân, như xác nhận hải sản sạch để người dân đưa hàng ra thị trường. Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố thông tin biển miền Trung và hải sản đã hoàn toàn sạch. “Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về thống kê, chi trả cho người dân chính xác, công bằng, công khai, minh bạch. Tiền phải đến tay người dân, tuyệt đối không được bớt xén”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.