Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo về sự mất cảnh giác trước đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những biểu hiện mất cảnh giác của con người trước đại dịch, khi mà có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 sắp đi tới hồi kết.
Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia có chuyển biến tích cực

Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia có chuyển biến tích cực

“Tình hình hiện nay vẫn khá khó lường bởi chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus” - Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cuộc chiến với Covid- 19 chưa kết thúc, dù rằng “trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt”. Cùng với đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố “bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch Covid-19, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, làm tăng thêm hàng triệu ca tử vong trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế, vốn có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD”. Những đánh giá trên cho thấy một thực tế rằng, trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang “sống chung với Covid-19,” chính hành động của con người sẽ quyết định kết quả cuối cùng.

Theo trang worldometers.info, trong 7 ngày qua, tổng số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục giảm, lần lượt 7% và 6% so với tuần trước. Đây cũng là xu hướng đã được ghi nhận kể từ tháng 8 vừa qua. Cụ thể, thế giới có thêm hơn 2,9 triệu ca mắc mới và hơn 48.700 ca tử vong vì Covid-19. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày tại Mỹ đã giảm còn 96.000 ca/ngày, thấp hơn khoảng 13.000 ca (tương đương 12%) so với tuần trước đó. Nếu căn cứ vào xu hướng trên, có thể thấy thế giới dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Đóng góp lớn nhất cho xu hướng tích cực này là chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện tại một số thành phố vẫn chật kín người cũng là thực tế trong 7 ngày qua. Tại châu Á, Lào đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại với hơn 700 ca mắc mới/ngày. Số ca mắc mới ở Singapore tăng 41% so với tuần trước đó. Sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh (từ ngày 2 đến 4-10), số ca mắc mới Covid-19 trong 1 ngày của Hàn Quốc đã quay trở lại mốc hơn 2.000 ca và tiếp tục vượt mốc này trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 6 đến 8-10.

Những diễn biến phức tạp này khiến WHO phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những biểu hiện mất cảnh giác của con người trước đại dịch, khi mà có nhiều quan điểm cho rằng, cuộc chiến chống Covid-19 sắp đi tới hồi kết. Đại diện WHO cũng kêu gọi chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về Covid-19, nhấn mạnh thông tin sai lệch khiến đại dịch Covid-19 kéo dài.

Nhà phân tích cao cấp Hannah Sworn của trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đánh giá: “Toàn cầu có thể kiểm soát Covid-19 nhanh tới mức nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khoảng cách tiêm chủng giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển”. Bà cảnh báo đại dịch có thể kéo dài nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở các nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp và lan rộng ra toàn thế giới. Kịch bản này có thể xảy ra nếu các nước giàu có xu hướng tích trữ vaccine và tập trung tiêm tăng cường. Nói cách khác, mục tiêu phổ cập vaccine ngừa Covid-19 để kiểm soát đại dịch chỉ có thể thực hiện được bằng hành động của con người, trước hết là chia sẻ vaccine.

Khi hầu hết các khu vực đều ghi nhận số ca mắc mới giảm trong 7 ngày qua thì châu Âu và châu Đại Dương lại tăng lần lượt là 9% và 14%. Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường, mà theo bà Van Kerkhove, do cách thức thế giới xử lý khủng hoảng, Covid-19 tới nay vẫn tồn tại và con người đang tìm cách “sống chung an toàn với virus”.