Tờ báo duy nhất thế giới dành cho trẻ em đường phố

ANTĐ - Với sự hỗ trợ từ những tổ chức phi lợi nhuận, “Balaknama” hay “Children’s Voice” (Tiếng nói trẻ em) là tờ báo duy nhất trên thế giới xoáy sâu vào các chủ đề gai góc và khắc nghiệt của trẻ em đường phố như nạn bạo hành trẻ em, vấn nạn tảo hôn, lao động bất hợp pháp, ma túy, lạm dụng tình dục… Đáng nói, tờ báo được thực hiện bởi chính những trẻ em đường phố ở New Delhi, Uttar Pradesh, Bihar và Andhra Pradesh (Ấn Độ).

Tờ báo duy nhất thế giới dành cho trẻ em đường phố ảnh 1

Tiếng nói “gan ruột”

Balaknama là một ấn phẩm theo quý (3 tháng xuất bản 1 lần), có 8 trang với sự tham gia của 14 phóng viên, trong đó có cả trẻ em đường phố, những trẻ đang lao động tại Delhi và nhiều bang lân cận như Haryana, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh. Độ tuổi trung bình của phóng viên Balaknama là 14.  Công cụ truyền tin phổ biến nhất của những phóng viên này là điện thoại bởi các em thường gọi điện về văn phòng ở Delhi để nói lại nội dung tin bài mình thực hiện. 

Xuất bản bằng tiếng Hindi, tờ báo là một chuỗi câu chuyện sinh động, những vấn đề trẻ em đường phố thường xuyên phải đối mặt được truyền tải dưới hình thức phản ánh, miêu tả hoặc thơ. Ở tờ báo này, mỗi bài viết được kể bởi chính bản thân các em nhỏ đang làm việc trong các nhà máy, bán rau, nhặt rác trên đường phố. Nhiều trẻ em đã dũng cảm vạch trần những quan niệm hà khắc của xã hội và nỗ lực thể hiện tiếng nói vốn đã im lặng trong nhiều năm.

“Chúng em nhận ra rằng, ít ai quan tâm đến những đứa trẻ khó khăn. Nhiều người không biết được những trẻ em đó  đang sống như thế nào, khổ cực ra sao. Những bài viết của các bạn gửi về từ khắp nơi luôn tràn ngập màu đen tăm tối. Đó là điều mà những đứa trẻ đường phố mô tả về cuộc sống của mình", Chandni (18 tuổi), thư ký tòa soạn chia sẻ.

Tờ báo Balaknama được bán với giá 2 rupee/tờ (khoảng 700 VND). Toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ góp phần cải thiện đời sống cho trẻ em đường phố. Với giá thành thấp như vậy, những cộng tác viên của báo dĩ nhiên cũng không nhận được lương. Nhưng đối với các em, được nói lên tiếng lòng của những thân phận nghèo là “một giấc mơ có thật” mà tất cả đều biết ơn và trân trọng.

Điều đặc biệt là những đứa trẻ làm việc cho tờ báo này tuy không được đào tạo bản bài từ trước nhưng khi bắt tay vào làm việc, các em nhanh chóng học được cách viết bài và sắp xếp các công việc phù hợp như phân loại các bài viết, dọn dẹp bản thảo, biên tập...

Phóng viên Shambhu, 17 tuổi là thợ rửa xe và làm  ca đêm tại một khách sạn đã chia sẻ rằng: “Được làm việc cho một tờ báo là giấc mơ có thật. Rất nhiều trẻ em đường phố như tôi vui mừng khi nhìn thấy tên của mình được đăng trên báo”. Tuy nhiên, Shambhu cũng cho biết, trong quá trình tác nghiệp, em phải đối mặt với sự cảnh giác, khó chịu, thậm chí bị đe dọa của chủ các nhà hàng, khách sạn khi em tiếp xúc và trò chuyện với những lao động trẻ em đang làm việc ở đây. Trong những trường hợp bị đe dọa quá mức, Shambhu và các phóng viên khác thường cảnh báo sẽ gọi điện báo với đường dây nóng hỗ trợ trẻ em nếu không được tạo điều kiện tác nghiệp.

Làm báo để hoàn thiện bản thân

Với thư ký tòa soạn là Chandni, 18 tuổi, cô từng là trẻ lang thang kiếm sống trên đường phố. Quê của Chandni ở Bareilly (Uttar Pradesh). Năm 4 tuổi, Chandni theo cha chuyển tới Delhi. Năm 5 tuổi, Chandni đã phải ra đường mưu sinh. Người cha đột ngột qua đời, để lại Chandni cô đơn, lẻ loi giữa chốn phồn hoa đô thị. Không thể tiếp tục một mình đi biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đường phố, Chandni đành đi nhặt rác kiếm miếng cơm qua ngày. 

May mắn, năm 2009, Chandni gặp được các tình nguyện viên của Tổ chức phi Chính phủ Chetna chuyên đấu tranh cho quyền lợi của trẻ em đường phố. Nhờ Chetna, Chandni được đến trường với một khoản trợ cấp nho nhỏ đủ để em không phải đi nhặt rác kiếm sống như trước. Chính tổ chức này cũng đã đào tạo Chandni trở thành một phóng viên và sau đó trở thành một thư ký tòa soạn đầy tự tin và đam mê với nghề.

“Tôi tự hào về công việc biên tập cho tờ báo này bởi đây là tờ báo duy nhất do trẻ em đường phố tạo ra và dành cho chính trẻ em đường phố. Những trẻ em có tuổi thơ bị đánh cắp liên tục phải đối mặt với đói khổ, bị lạm dụng và ép phải lao động nặng nhọc giờ đây đang viết về chính cuộc đời và số phận của bạn bè các em - những người đang ở trong cảnh ngộ tương tự” - Chandni chia sẻ. “Công việc này không chỉ giúp chúng tôi thay đổi bản thân mình mà còn mang lại mục đích sống cho mỗi chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi có thể hoàn thiện mình”, cô gái trẻ Chandni khẳng định.