Tình yêu đặc biệt giúp trẻ em vượt qua tự ti, tự kỷ

ANTD.VN - Yêu và tâm huyết với nghề, nhưng hơn thế nữa là tình yêu đặc biệt dành riêng cho những đứa trẻ sớm đã thiệt thòi vì cơ thể không hoàn thiện, cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã đem đến sự cảm phục chân thành từ phụ huynh, học sinh qua những việc làm hàng ngày trên lớp.

Trẻ em trường Mầm non Tây Mỗ A luôn được các thầy cô tạo điều kiện chăm sóc để được vui vẻ mỗi ngày đến trường 

5 năm trở lại đây, trong lớp luôn có trẻ em không bình thường

Trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội có hơn 1.000 trẻ nhưng duy nhất chỉ có một giáo viên được đào chuyên về giáo dục đặc biệt. “Hiện nay trong số trẻ đến trường có không ít những em có dấu hiệu tự kỷ hay đơn giản hơn là tăng động, giảm tập trung. Các em vẫn được học tập để hòa nhập với các bạn khác. Vậy nên để chăm sóc các em thật tốt thì bản thân phải học hỏi đồng nghiệp. Tuy nhiên, được đào tạo bài bản vẫn là phương án tôi lựa chọn nên đã tự mình đăng ký theo học khoa Giáo dục đặc biệt tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương” - cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền, trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Vậy là với quyết tâm và trách  nhiệm của một nhà giáo, cô Đỗ Thị Thanh Huyền nhiều năm nay hỗ trợ trẻ tự kỷ tại lớp cũng như tại nhà riêng bằng những kiến thức học được ở trường lớp và hơn nữa là từ những kinh nghiệm chia sẻ của chuyên gia, cộng đồng. Cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tuyên dương là giáo viên tâm huyết, sáng tạo năm 2018 vì có nhiều thành tích trong việc phát hiện, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.  

“Nhiều người vẫn hỏi, vậy thời gian nào tôi dành cho gia đình? Tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác, có gia đình cần quan tâm, chăm sóc. Tôi có 3 cháu vì vậy vẫn phải thực hiện mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp công việc và thời gian thì vẫn có thể hoàn thành tốt cả việc nhà lẫn việc trường”.

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền (Trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) 

Cô Đỗ Thị Thanh Huyền tâm sự, từ nhỏ mơ ước được trở thành giáo viên. Nghề giáo viên mầm non vất vả, có mặt ở trường từ sáng sớm đến tối mịt mới được về nhà. “Cách đây khoảng 10 năm, ở lớp không có trẻ em có biểu hiện bất thường. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, trong quá trình đứng lớp, tôi thấy trong lớp luôn có những trẻ em có biểu hiện không bình thường. Ví như, có em chỉ thích một khu vực, một đồ chơi cụ thể, không thay đổi sang đồ chơi khác, có em rất thông minh nhưng chỉ làm điều em thích hay liên tục nói lảm nhảm… Với những học sinh không tuân theo nền nếp như vậy, giáo viên đều cảm thấy căng thẳng nên rất cần những phương pháp khoa học để áp dụng riêng cho những tình huống này” - cô Huyền chia sẻ.

Có những cách làm không khó nhưng đem lại hiệu quả cao như làm thẻ hành vi với bạn tự kỷ để nhắc nhở các bạn thực hiện đúng yêu cầu. “Với những bạn này nếu giáo viên chỉ nói bình thường thì các bạn sẽ không nghe, không hiểu nhưng sử dụng thẻ thì các bạn có thể nhận thức được, từ đó sẽ điều chỉnh hành vi của mình” - cô Huyền cho biết. Hay với những trẻ tăng động, cách giáo viên nên xử lý là giao nhiệm vụ nhiều hơn các bạn khác để trẻ giải phóng năng lượng, đồng thời có sự khen ngợi, ghi nhận hợp lý của cô giáo và các bạn trong lớp để động viên trẻ tiến bộ.

Tình yêu đặc biệt giúp trẻ em vượt qua tự ti, tự kỷ ảnh 2Cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2018

Món quà dành cho những cống hiến thầm lặng

Từ những bước đi ban đầu, cô Đỗ Thị Thanh Huyền ngày càng tự tin hơn khi bước vào công việc giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập. Mỗi một tiến bộ nhỏ của các em là đi kèm với công sức lớn mà cô bỏ ra, nhưng món quà cô có được chính là sự trưởng thành, sự tin yêu của các em dành cho cô. “Nhiều người vẫn hỏi, vậy thời gian nào tôi dành cho gia đình? Tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác, có gia đình cần quan tâm, chăm sóc. Tôi có 3 cháu vì vậy vẫn phải thực hiện mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp công việc và thời gian thì vẫn có thể hoàn thành tốt cả việc nhà lẫn việc trường” - cô Huyền nói.

Được biết, ngoài việc kiên nhẫn dạy các em từng động tác, từng hành vi trên lớp, cô Huyền luôn là địa chỉ tin cậy để phụ huynh tìm đến chia sẻ, để được hỗ trợ trong quá trình dạy con. Không chỉ giúp trên lớp, tại nhà riêng, cô Huyền còn dành riêng một phòng để làm nơi vui chơi, hỗ trợ vận động cho trẻ. Cô tâm sự, một phụ huynh khi phát hiện con gặp vấn đề họ rất ngại đưa đến các khu vui chơi vì sợ ảnh hưởng đến những trẻ khác. Vì thế, căn phòng được thiết kế nhiều dụng cụ phù hợp khiến một số phụ huynh đưa con đến gửi. Ở đó, cô để tài liệu liên quan đến các vấn đề khuyết tật vận động, trẻ tự kỷ… để phụ huynh tìm hiểu kiến thức.

Công việc vất vả, đòi hỏi nhiều tâm sức này, cô Huyền cho biết, không chỉ có một mình cô thực hiện. “Ở trường, Ban giám hiệu rất hỗ trợ, khuyến khích tôi đầu tư cho công tác chăm sóc trẻ khuyết tật. Hầu như những đề xuất của tôi về phương pháp, trang thiết bị đều được nhà trường đáp ứng. Bên cạnh đó, không thể không nói đến vai trò của cộng đồng. Tôi tham gia các tổ chức giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ. Ở đó có nhiều giáo viên, chuyên gia, bác sĩ và các phụ huynh. Rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm tôi được chia sẻ trong các hoạt động cộng đồng này” - cô Huyền tâm sự.

Làm những công việc này, nỗ lực cô Huyền bỏ ra không phải là để lấy thành tích. Thay vào đó, phần thưởng cô có được là sự tin yêu và chia sẻ của học trò, phụ huynh, đồng nghiệp. “Tôi vẫn nhớ trường hợp một bạn bị down thể nhẹ ở lớp tôi phụ trách đến trường khi đã hơn 7 tuổi. Mẹ của cháu không dám cho con đi học hay tham gia các hoạt động bên ngoài vì rất tự ti. Chỉ khi tôi chia sẻ và hứa với phụ huynh con sẽ thay đổi sau một thời gian cùng cô học tập thì gia đình mới phối hợp. Chỉ sau 1, 2 tháng, con đã biết cầm bút, tô vẽ, giao tiếp đơn giản với bạn bè, từ đó thì gia đình cháu hoàn toàn được thuyết phục. Hiện con đã ra trường 2 năm nhưng gia đình vẫn thường xuyên liên lạc và cho con về thăm cô” - cô Huyền chia sẻ - “Vẫn còn rất nhiều bạn nhỏ cần được giúp đỡ. Là giáo viên tôi luôn ý thức về sự cần thiết của công việc này bởi vậy việc tôi thường xuyên làm là chia sẻ kinh nghiệm của mình với đồng nghiệp đồng thời không dừng lại với những kiến thức mình có được. Mọi cách làm đều cần được cập nhật, kết nối với chuyên gia để có những biện pháp thực hiện tốt nhất. Đây chính là mục tiêu mà tôi vẫn hướng tới trong quá trình công tác tại ngôi trường của mình”.