Tình tiết mới trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Quảng Tây, Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tạp chí Phố Wall của Mỹ ngày 16-5 trích dẫn kết quả đánh giá ban đầu của phía Mỹ về nguyên nhân vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Trung Quốc China Eastern Airlines cho thấy, chiếc Boeing 737-800 gặp nạn trong tình trạng chủ đích rơi tự do. Điều này khiến thân nhân những người thiệt mạng dấy lên những câu hỏi nghi ngờ.
Hiện trường vụ máy bay rơi khiến 132 người thiệt mạng ở Quảng Tây, Trung Quốc

Hiện trường vụ máy bay rơi khiến 132 người thiệt mạng ở Quảng Tây, Trung Quốc

Có thể ai đó cố tình đột nhập buồng lái

Vụ tai nạn hàng không thảm khốc của chuyến bay 5735 xảy ra hôm 21-3. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), tất cả 123 hành khách và 9 phi hành đoàn thiệt mạng trong chuyến bay từ Côn Minh đến Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc sau khi máy bay lao xuống từ độ cao 8.900m rồi đâm vào một ngọn đồi ở Quảng Tây.

Wall Street Journal cho biết, thông tin từ máy ghi dữ liệu chuyến bay, một trong hai hộp đen ghi thông tin về đường bay của máy bay và trạng thái của hệ thống, cho thấy máy bay đang hoạt động theo chỉ dẫn của bộ điều khiển buồng lái. Người quen thuộc với cuộc điều tra được tờ báo trích dẫn cho rằng, có thể ai đó đã cố tình đột nhập buồng lái và làm rơi máy bay.

Đây là thảm kịch hàng không lớn nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1994, gây chấn động đất nước vốn đang nắm giữ một trong những kỷ lục bay an toàn nhất. Tính đến tháng 2-2022, CAAC đã đạt được hơn 100 triệu giờ bay an toàn - một kỷ lục thế giới.

Sau khi tìm được các hộp đen, nhóm điều tra tại Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã giúp CAAC, cơ quan đang dẫn đầu cuộc điều tra, tải thông tin từ máy ghi âm buồng lái và máy ghi dữ liệu chuyến bay tại phòng thí nghiệm của họ ở Washington.

“Nếu thông tin là sự thật thì thật là khủng khiếp. China Eastern Airlines phải giải thích rõ ràng cho chúng tôi”, một người đàn ông họ Âu Dương, chú của một sinh viên đại học 18 tuổi đến từ Quảng Châu thiệt mạng trong chuyến bay cho biết.

CAAC tuyên bố rằng, NTSB không công bố thông tin về cuộc điều tra cho bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Trước đó, báo cáo sơ bộ của CAAC cho biết, phi hành đoàn và kiểm soát không lưu vẫn giữ liên lạc vô tuyến bình thường trước khi máy bay bay vào vùng trời do Quảng Châu kiểm soát rồi sau đó chệch khỏi độ cao được chỉ định. Bộ phận kiểm soát không lưu đã gọi điện cho phi hành đoàn nhưng không nhận được phản hồi sau khi radar cảnh báo rằng, máy bay không di chuyển trên đường bay được chỉ định.

Chưa thể có kết luận chính xác

Đại diện China Eastern nói với The Wall Street Journal rằng, khả năng đột nhập buồng lái khó xảy ra vì máy bay không gửi mã khẩn cấp nào. Thông thường, các phi công có thể chọn mã 7500 trên bộ phát đáp của máy bay - một thiết bị truyền thông tin về tốc độ và độ cao cho kiểm soát không lưu - để báo hiệu cho kiểm soát không lưu rằng máy bay đang bị cướp.

Ông Joe Hattley, một nhà điều tra tai nạn máy bay đã nghỉ hưu trước đây thuộc Cục An toàn Giao thông vận tải Australia cho biết, ở tình huống đó, kiểm soát không lưu sẽ cảnh báo cơ quan thực thi pháp luật và điều phối để các máy bay khác tránh xa máy bay đang bị xâm phạm quyền điều khiển. Chuyên gia này cho biết thêm, cửa buồng lái được khóa bằng một mã mà chỉ các thành viên phi hành đoàn được phép vào buồng lái mới biết và các phi công có thể dựa vào nguồn cấp dữ liệu video từ cabin để xác định những kẻ xâm nhập tiềm năng.

Hơn nữa, máy ghi âm buồng lái sẽ ghi lại các cuộc trò chuyện và hoạt động trong buồng lái, bao gồm mọi hành vi xâm nhập hoặc có dấu hiệu vật lộn. Nhưng thông tin trên Tạp chí phố Wall không dựa vào thông tin từ máy ghi âm buồng lái. “Nếu là điều tra viên, chắc chắn họ sẽ xem xét dữ liệu từ máy ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái, đồng thời tổng hợp tất cả thông tin đó lại với nhau để xây dựng một bức tranh, thay vì chỉ dựa vào một nguồn thông tin”, ông Hattley nói.

Trả lời về tình tiết mới nhất, bà Chrystal Zhang, Phó Giáo sư hàng không tại Đại học RMIT ở Melbourne cho biết, quá trình thu thập thông tin điều tra không thể vội vàng. Bà cho biết, bất kỳ thông tin nào không được chứng minh một cách khoa học hoặc thiếu bằng chứng đầy đủ có thể gây áp lực không cần thiết cho các điều tra viên và gia đình nạn nhân. Tương tự, chuyên gia về điều tra tai nạn máy bay Joe Hattley cho biết, việc tiết lộ thông tin không chính thức như vậy có thể khiến cuộc điều tra thêm phức tạp, trong khi dữ liệu vẫn đang được phân tích thì chưa thể có kết luận chính xác.