Tình thân ở lại

ANTĐ - Tôi là con một. Bố mẹ tôi là cán bộ nhà nước, lương không cao nhưng rất thương và lo lắng cho tôi nên đã thu xếp cho tôi ra nước ngoài học tập. Tôi đã học đến năm cuối đại học.

Tới xứ sở sương mù, có những đêm giá rét, lạnh cóng, không ngủ được, tôi lại nhớ về quê nhà. Tôi nhớ da diết người thân, trong đó có bà nội.

Bữa ăn tối là cả gia đình quây quần. Có một lần, bà tôi hỏi: “Trong món xào, món canh, chỉ thiếu một thứ, mua độ nghìn bạc, thiếu thứ này ăn mất ngon, mất đẹp. Đó là thứ gì?”. Cả nhà chưa ai nói gì. Tôi lại càng chậm vì tôi là con trai. Cô tôi lên tiếng: 

- Đó là mùi hoặc hành hoa. 

Bà tôi cười: “Là hành hoa”. 

Bà tiếp: “Canh cá phải có hành, thìa là. Cà bung phải có tía tô. Bóng xào, măng nấu phải có mùi. Món nào, vị ấy, không thể thiếu. Thiếu thì món canh nước trong leo lẻo, như canh bí thiếu hành. Món xào trông tẻ nhạt, vô duyên. Những thứ ấy mua chỉ một, hai nghìn bạc. Quan trọng là không quên”.

Hồi tôi học cấp 1, bà thường xuyên đưa tôi đi học và đón tôi về. Có lần, qua một cửa hàng, bà bảo tôi: “Con đọc cho bà tên cái biển kia”.  Chắc bà thử sức tôi. Tôi ậm ừ không đọc. Bà tôi cười: 

- Trời ơi, chữ to tướng, dễ thế mà cháu không đọc được. Thế thì đúp mất thôi. 

Tôi thì thầm vào tai bà: “Cửa hàng cầm đồ. Nhưng cháu không thích đọc cái tiếng ấy”.

Thời gian trôi đi, có bao điều thay đổi. Tôi đã trưởng thành. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thích, thậm chí còn khó chịu cái tiếng ấy “Cửa hàng cầm đồ”.

Bà tôi không xem bói, xem số, không tin nhưng lòng thành.  Tôi nhớ đứng trước bàn thờ tổ tiên, bà khấn: “Gia đình nhỏ bé của con, vẻn vẹn chỉ có năm người. Năm ngón tay trên một bàn tay. Ở các nơi khác nhau. Con cầu mong trời Phật phù hộ độ trì cho được khỏe mạnh, bình an, may mắn”. Bà tôi thường chỉ cầu mong đơn giản, chân thành như thế. 

Bây giờ tôi có nhiều mối quan tâm: học hành, bạn bè, cuộc sống mới, dự định mới. Nhưng sao tôi cứ luôn nhớ nhiều về bà. Nhớ nhiều đến thế!