“Tính sổ” các tập đoàn

ANTĐ - Có lẽ chưa bao giờ những yếu kém, khuyết tật của khu vực doanh nghiệp nhà nước được “giải phẫu” triệt để, sâu sắc như năm qua. Sau khi công khai sai phạm tại một số tập đoàn và tổng công ty “anh cả”, hiệu quả hoạt động và những khoản nợ lớn của khu vực kinh tế chủ đạo dần được hé lộ trong năm 2012. Bước sang năm 2013, quyết tâm tái cơ cấu khối doanh nghiệp đầu tàu này lại càng được đặt ra một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn sở hữu 10 lần. Mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Chính vào thời điểm năm bản lề của kế hoạch 5 năm, vấn đề xác định vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế được đặt ra cấp thiết hơn.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều, có quan điểm đề xuất nên bán tất cả các DNNN cho tư nhân. Quan điểm này không nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan chức năng bởi lo ngại sẽ mắc phải những sai lầm như quá trình bán DNNN của nước Nga. Quan điểm ít cực đoan hơn thì cho rằng Nhà nước nên “rút chân” khỏi một số lĩnh vực theo nguyên tắc cái gì tư nhân có thể làm được thì để cho tư nhân làm.

Quan điểm này đãđược tiếp thu một phần lớn trong Đề án tái cấu trúc DNNN được Bộ Tài chính xây dựng và đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, DNNN được chia thành ba nhóm. Một trong những khuyết điểm lớn nhất khiến hoạt động của nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, kém hiệu quả là do thiếu quy định cụ thể và phân biệt rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của DN. Các quy định pháp luật về hoạt động của DNNN chưa tách bạch rõ trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước và nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành đối với DNNN. Bản thân các bộ, ngành cũng không phân biệt tư cách nào là cơ quan quản lý hay chủ sở hữu nhà nước. Hậu quả là, trong nhiều trường hợp, đại diện chủ sở hữu chưa thể hiện trách nhiệm giải quyết công việc của DN một cách đúng mực.

Phát biểu trước các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc sẽ vượt qua thách thức, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu kinh tế. Việt Nam không coi thường những hạn chế, yếu kém, khó khăn, không thỏa mãn mà sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra. Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế cho rằng, nếu không có những  giải pháp quyết liệt, quyết đoán, Việt Nam có khả năng gặp rủi ro trong năm 2013 và những năm tiếp theo, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp. Hơn nữa, Việt Nam còn có thể quay trở lại tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô, làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng xã hội.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố đã nhấn mạnh, vấn đề của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những bất cập trong cơ cấu kinh tế. Sự kém hiệu quả của ngân hàng, đầu tư công và DNNN là yếu tố cản trở tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Rõ ràng năm 2013 là thời điểm phải “tính sổ” các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, không thể chậm trễ hơn nữa.