Tín dụng đen sinh viên: Làm tiền trên lưng lũ trẻ

ANTĐ - Cầm cố, nợ nần là một trong những mặt trái không thiếu được trong đời sống sinh viên. Hiện tượng cho sinh viên vay tiền với lãi suất cắt cổ (hay còn gọi là tín dụng đen sinh viên) đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thực sự nhức nhối và bùng phát chỉ mấy năm gần đây, chúng đã len lỏi vào từng trường học, từng ngõ ngách, xóm trọ theo kiểu "ở đâu có sinh viên ở  đó có cho vay". Sinh viên trường nào cũng có thể vay từ vài triệu, thậm chí vài trăm triệu và tất nhiên đổi lại lãi suất vay luôn nằm ở mức cao và ổn định nhất so với tất cả các loại hình tín dụng ở nước ta hiện nay.
Tín dụng đen sinh viên: Làm tiền trên lưng lũ trẻ ảnh 1

Vay tiền kiểu... Dân An Bank

Người ta thường ví von tín dụng đen sinh viên với cái tên: Ngân hàng Dân An (Dân an Bank). Giới sinh viên có nhu cầu cần tiền có lẽ hiếm có ở đâu thủ tục lại dễ dàng, nhanh gọn như ở đây.

Loại hình tín dụng này có lợi thế lớn nhất là không cần thế chấp, đảm bảo tài sản. Người vay có thể vay được từ một vài triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu tuỳ thuộc vào "hồ sơ cá nhân", và quan trọng nhất là niềm tin của người cho vay (đặc thù quan trọng nhất đối với cho vay không thế chấp) với đối tượng vay.

Để được chấp nhận vay tiền, thủ tục đầu tiên, sinh viên chỉ cần gọi điện thoại và khai báo mã số sinh viên và tên trường đang theo học. Bởi hiện nay mỗi trường đại học đều quản lý sinh viên theo mã số sinh viên thông qua website của từng trường. Sau khi có được mã số sinh viên, người cho vay sẽ vào website của trường đó kiểm tra xem mã số đó có không, sinh viên này có đang theo học tại đó không, đang học hay là học xong rồi, đã bỏ học hay bị dừng học. Tiếp đó là kiểm tra bảng điểm để đánh giá quá trình học tập của sinh viên đó theo nguyên lý điểm cao thì thuộc dạng "ngoan" dễ làm việc, còn điểm thấp, thi lại lên thi lại xuống, nợ môn thì thuộc thành phần "bê tha" cần phải xem xét.

Sau khi kiểm tra mã số sinh viên xong, nếu đồng ý người cho vay sẽ gọi điện thoại lại hẹn địa điểm "giam" tiền và không quên dặn sinh viên khi đến nhớ cầm chứng minh thư và thẻ sinh viên. Sau khi gặp nhau, sinh viên viết giấy vay tiền và để lại 2 thứ giấy tờ trên. Đối với những sinh viên là khách hàng quen thuộc, có uy tín thì chỉ cần để lại giấy tờ photo. Bên cạnh đó, sinh viên phải khai báo số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân. Để xem có sự gian dối khai báo này không, chủ nợ sẽ lấy điện thoại của sinh viên bấm số để kiểm tra hiển thị trên màn hình số máy đã lưu lại có đúng là bố, mẹ, “papa” hay “mama”... Nếu chỉ cần lệch chuẩn mọi giao dịch sẽ bị huỷ bỏ dù sinh viên đó có giải thích hay năn nỉ đằng giời bởi quan trọng nhất là niềm tin đã không còn.

Hiện nay thông thường số tiền sinh viên có thể vay theo kiểu này dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Đối với một số trường có uy tín, nhiều con nhà giàu như Ngoại thương, Ngoại giao, FPT, Ngân hàng, Rmit... số tiền vay có thể lên tới một vài chục triệu không giới hạn. Thường lần vay đầu không được nhiều, nhưng những lần sau nếu đã có uy tín, số tiền vay được tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sẽ được tăng lên.

Tín dụng đen sinh viên có đặc thù là người cho vay lấy giấy tờ của sinh viên là căn cứ nhưng vay được hay không, nhiều hay ít lại phụ thuộc vào cảm nhận, giác quan khi tiếp xúc với sinh viên. Nếu thấy tin tưởng, có cảm tình, số tiền cho vay, rồi tiền lãi sẽ được du di.

Lãi mẹ đẻ lãi con vượt hơn... tiền gốc

Lãi suất trung bình dao động hiện nay cho sinh viên vay theo hình thức này rơi vào 10 - 15.000 đồng/triệu/ngày. Thậm chí có những nơi lên tới 20 - 30.000 đồng/triệu/ngày. Thử nhẩm tính với 100 triệu vay theo lãi suất ngân hàng hiện nay lãi suất dao động từ 17 - 22% tương đương tiền lãi mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Nhưng với 100 triệu đó, tín dụng đen sinh viên thu về từ 30 - 45 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng, một năm là 360 - 510 triệu tiền lãi, lãi suất tính ra là 360 - 510% năm. Một con số khủng khiếp. Dân buôn ma tuý nhìn thấy cũng phải chào thua.

Không chỉ vậy, số tiền thực vay còn bị cắt lại 1 kỳ lãi đầu (10 ngày). Ví dụ nếu vay 10 triệu, bạn chỉ được cầm 8,5 - 9 triệu. Vì vậy thực chất số tiền đẩy ra 100 triệu cho vay ban đầu chỉ là 85 - 90 triệu. Cứ 10 ngày một lần bạn sẽ phải đóng lãi. Số tiền lãi đó lại được đẩy ra cho vay tiếp. Cứ thế tiền lãi thành tiền gốc rồi lại đẻ ra lãi. Nếu tính chi li ra, lãi suất còn lớn hơn rất nhiều lần. Chỉ cần đóng lãi 3 tháng thì số tiền lãi đã vượt quá số tiền gốc, mà gốc thì vẫn chưa trả được, còn lãi thì vẫn phải đóng tiếp đến khi nào trả được hết gốc mới thôi. Sinh viên thì thường vay lâu, tiền lãi có thể xoay để trả được, còn tiền gốc thì chỉ có báo nhà (gia đình lên trả nợ) hoặc “ăn” trận bóng, trúng con lô. Chỉ cần, đến ngày đóng lãi mà tắt điện thoai, hoặc có hiện tượng khất lãi là số nợ của sinh viên đó sẽ được khoanh vùng. Và tất nhiên sinh viên mà đối đầu với "chủ nợ" thì kết quả thế nào có lẽ không cần phải bàn tới.


Không phải ai cũng làm được

Theo như T., hành nghề cho sinh viên vay lâu năm ở khu vực trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì kể cả trong 10 trường hợp sinh viên vay tiền nếu không may có rủi ro (bị bùng) 2 đến 3 trường hợp thì vẫn cứ lãi lớn. Nhưng nghề này không phải ai cũng làm được.

Theo T., đứng ra cho sinh viên vay tiền hiện nay, chủ yếu là những người cũng từng là sinh viên và cũng từng đi vay tiền kiểu này nên hiểu được tâm lý sinh viên. Nhiều tiền còn sợ sinh viên bùng, chứ một vài triệu thì chả sinh viên nào dại mà trốn nợ cả.

Thứ hai, làm nghề này phải có được thần kinh thép, không được mủi lòng. Bởi đa phần sinh viên đi vay đến khi trả thường là bố mẹ đem đến trả. Đã làm cái nghề này thì không tránh được gặp phụ huynh. Gặp gia đình nào khá giả, chiều con thì không có vấn đề gì, chứ gặp phải gia đình hoàn cảnh nếu không có trái tim lạnh sẽ rất dễ mủi lòng bớt lãi, thậm chí không đành lấy lãi.

Thứ nữa, cho vay sinh viên nghe qua thì siêu của siêu lợi nhuận nhưng không phải ai cũng có thời gian và cũng muốn làm vì nghề này đòi hỏi năng nhặt chặt bị, tủn mủn thu lãi, tính toán nhặt nhạnh từng chục một. Số tiền đẩy ra (cho vay) lắt nhắt gặp nhiều trường hợp rủi ro không phải ai cũng có thời gian, công sức, kiên trì đi đòi vài triệu bạc ở thời buổi bây giờ.

Nhưng vẫn nở rộ

Vào trang tìm kiếm Google, gõ từ "cho vay sinh viên", sau 0,07 giây cho ta 558.000 kết quả liên quan đến hoạt động tín dụng đen này. Một hình thức tín dụng trên danh nghĩa hoạt động chui, nhưng giờ công khai và ngang nhiên.

Kích chuột vào một số trang như rongbay, muare, chodientu... sẽ thấy xuất hiện hàng loạt những mẩu tin cho vay sinh viên với nội dung rất ngắn thường chỉ có 2 dòng: cho sinh viên vay tiền không cần thế chấp. Số điện thoại liên hệ... Hết! Chỉ có vậy. Thậm chí thi thoảng tại các trường đại học, hệ thống tín dụng đen này còn cho người đến tận đây dán các tờ rơi rao vặt kèm số điện thoại liên hệ cho các sinh viên có nhu cầu cần tiền sẽ được giải quyết ngay.

Mọi thủ tục, chi tiết, lãi suất vay đến khi liên hệ với số điện thoại cho vay sẽ được hướng dẫn đầy đủ.

Theo giới tín dụng đen sinh viên, những quảng cáo, rao vặt kiểu đấy chỉ dành cho những người mới vào nghề, còn đã làm nghề này lâu, chỉ cần có được một lượng khách quen nhất định là sinh viên sẽ tự rỉ tai, giới thiệu bạn bè đến vay. Khi đó có người đảm bảo, việc vay cũng dễ dàng hơn, độ rủi ro cũng thấp hơn. Thậm chí một số người cho vay còn chi tiền "phế" (hoa hồng) cho sinh viên nào giới thiệu được bạn đến vay.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều sinh viên mang danh giúp bạn đi vay tiền, nhưng thực chất đã thoả thuận trước việc ăn chia lãi suất với chủ nợ. Thế nên hiện nay theo giới tín dụng đen, không ít sinh viên cậy mối quan hệ có từ trước với chủ nợ đã "nhanh nhạy" tranh thủ tự quảng cáo, rao vặt cho sinh viên vay tiền bằng số điện thoại của mình nhằm dẫn mối kiếm tiền trên chính những người bạn đồng trang lứa với mình.

Sự đời có vay thì có trả. Ngân hàng cho vay phải lấy lãi, huống chi là bên ngoài. Nhưng kiếm tiền từ sự non nớt, bồng bột của sinh viên với mức lãi suất cắt cổ nói thẳng ra là một việc làm thất đức. Người ta thường bảo sinh viên là vô sản, biết chúng không có khả năng trả nợ, mà vẫn cố tình cho chúng vay, rồi ung dung ngồi thu lãi cắt cổ từ những đồng tiền mà bố mẹ chúng nai lưng ra làm để cho chúng ăn học có lẽ chỉ có những kẻ không có lương tri mới làm nổi điều này!

Nhu cầu vay của sinh viên hầu hết là chính đáng, tuy nhiên hiện nay không có một đơn vị kinh doanh tài chính, ngân hàng nào đáp ứng nhu cầu này của sinh viên. Thị trường có, không dịch vụ thì tín dụng đen nhảy vào cũng là lẽ thường tình. Thiết nghĩ đến nông dân mà còn có Ngân hàng NN và PTNT chăm lo, liệu sinh viên có thể phải lập một ngân hàng của mình không? Xin gửi câu hỏi tới Ngân hàng Nhà nước!