Tìm thận ghép cho bệnh nhân bị bác sĩ “lỡ tay… cắt mất 2 quả thận!”

ANTĐ - Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thừa nhận kíp mổ đã sai sót. Đã có người đăng ký hiến thận cho chị Hứa Cẩm Tú.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tổ chức họp hội đồng chuyên môn ngày 15-12


Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ ngày 15-12 đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn nhằm tìm phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (người bị ê kíp phẫu thuật của BV “lỡ tay” cắt mất 2 quả thận). PGS - TS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Thận - Tiết niệu Việt Nam, Phó Giám đốc BV Bình Dân - TPHCM; PGS-TS Đàm Văn Cương, Trưởng Khoa Y, Trưởng Bộ môn Tiết niệu - Trường ĐH Y Dược Cần Thơ; ông Lê Quang Dũng, Trưởng Khoa Tiết niệu - BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ - đã tham gia cuộc họp.

Chẩn đoán không ra

PGS-TS Vũ Lê Chuyên nhận định: “Trường hợp của chị Tú có thể thấy được thận móng ngựa trong khâu chẩn đoán trước mổ. Việc không phát hiện là do lỗi của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Chị Tú có chỉ định mổ là đúng nhưng khi mổ, 2 quả thận dính nhau, bác sĩ Trần Văn Nguyên không biết, cắt 2 quả thận mà vẫn nghĩ là 1 quả”. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Trường hợp này có lỗi nhận định của bác sĩ Nguyên nhưng cũng có lỗi của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh”.

Theo ông Nghĩa, trong quá trình mổ, bác sĩ Nguyên có gọi cho ông để xin ý kiến. “Bác sĩ Nguyên nói bệnh nhân chảy máu nhiều, cần chuyển từ mổ nội soi qua mổ hở, chứ không nói ca mổ gặp khó khăn” - ông Nghĩa cho biết. Anh Nguyễn Thiện Trí, chồng chị Tú, cho rằng người nhà chỉ yêu cầu mổ nội soi, BV lại mổ 2 lần (nội soi và mổ hở) nhưng không báo cho gia đình. PGS-TS Vũ Lê Chuyên giải thích: “Chị Tú chảy máu nhiều, bác sĩ Nguyên chuyển qua mổ hở là phù hợp. Khi bệnh nhân quyết định mổ, nội soi không được thì chuyển mổ hở, khi nào qua cấp khác, chúng tôi mới nói cho người nhà biết”.

Sau ca mổ, bác sĩ Nguyên có giải thích cho người nhà bệnh nhân nhưng nói theo diễn biến ca mổ, tức là đã cắt bỏ thận trái và thận dị dạng bên trái, vẫn còn thận bên phải. Chính vì vậy nên người nhà chị Tú đã phản ứng, gửi đơn khiếu nại khi siêu âm phát hiện chị không còn quả thận nào.

Tạo điều kiện tốt nhất

Theo PGS-TS Vũ Lê Chuyên, việc cần làm hiện nay là chạy thận nhân tạo và tìm nguồn thận để ghép cho chị Tú. Ông Nghĩa khẳng định: “Chị Tú cần phải được theo dõi điều trị, chúng tôi chưa định ngày ra viện. Chị được miễn toàn bộ viện phí và được lo ăn theo chế độ của BV. Chúng tôi muốn tạo điều kiện tốt nhất chăm sóc chị”.

Ban Giám đốc BV cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các bác sĩ tại BV Chợ Rẫy – TPHCM để điều trị cho chị Tú. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tìm nguồn thận và kinh phí. “Nguồn thận ở Việt Nam tương đối khó tìm. Chúng tôi rất cần người nhà, người chết não hoặc bất cứ ai tình nguyện hiến thận cho chị Tú. BV sẽ cố gắng tìm mọi cách, kể cả huy động sự đóng góp của nhiều nguồn, để ghép thận cho chị” - ông Nghĩa nói.

Theo Ban Giám đốc BV, do đang tập trung điều trị cho chị Tú nên BV sẽ xử lý bác sĩ và kíp mổ sau, trước mắt, đã đình chỉ phẫu thuật một thời gian đối với bác sĩ Nguyên.

Cùng ngày, ông Lê Quang Võ, Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết anh N.V.S (28 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng) đã liên hệ với BV đăng ký hiến một quả thận của mình cho chị Tú.

Dị tật hiếm gặp

Theo PGS-TS Đàm Văn Cương, thận móng ngựa là dị tật hiếm gặp. “Tôi từng xử lý những ca thận móng ngựa nhưng có chẩn đoán trước mới chủ động mổ” - ông cho biết.

PGS-TS Vũ Lê Chuyên khẳng định chị Tú là trường hợp thứ 3 bị thận móng ngựa mà ông biết ở miền Nam. Trong đó, một trường hợp đi xe đạp bị té chấn thương thận. Khi mổ cắt thận, do không biết thận móng ngựa nên bác sĩ đã cắt hết 2 quả, sau đó bệnh nhân được đưa lên BV Bình Dân chạy thận nhân tạo. “Trong cuộc đời bác sĩ, nếu chưa gặp dị tật thận móng ngựa nên vấp phải sai sót khi mổ thì có thể thông cảm cho họ” – ông Chuyên nhận xét.