Tìm mọi cách để du khách thấy bình yên

ANTĐ - Sau khi thông tin về 2 đối tượng hành nghề đánh giày trong khu vực phố cổ có hành vi “chặt chém” du khách, CAQ Hoàn Kiếm đã nhanh chóng xác minh, triệu tập 2 đối tượng để lập hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp phòng ngừa thiết thực khác cũng được triển khai để du khách thực sự cảm thấy thoải mái và bình yên. 
Tìm mọi cách để du khách thấy bình yên ảnh 1

Du khách hứng khởi trải nghiệm Hà Nội  

                                       

Đẩy mạnh tuần tra mật phục

Theo Đại tá Hà Mạnh Hùng - Trưởng CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiện thủ đoạn hoạt động phổ biến của các đối tượng trộm cắp là nhằm vào những người nước ngoài đi một mình. Đặc biệt vào ban đêm hoặc rạng sáng, khi khách du lịch (chủ yếu là nam giới) đi chơi ở các quán bar về, chúng sẽ đi thành nhóm từ 2-4 người bắt chuyện, gạ gẫm massage hoặc mua dâm, sau đó lợi dụng sơ hở để trộm cắp, cướp giật tài sản. Có đối tượng tranh thủ lúc du khách đang  bị đám đông chen lấn, xô đẩy sẽ tiếp cận móc ví, điện thoại. Một số lái xe taxi, “xe ôm” khi khách xuống xe chưa kịp lấy đồ đã phóng xe bỏ đi nhằm chiếm đoạt hành lý, tài sản…

Tìm mọi cách để du khách thấy bình yên ảnh 2

Du khách hứng khởi trải nghiệm Hà Nội  

                                      

Nhằm hạn chế tình trạng trên, Trưởng CAQ Hoàn Kiếm đã yêu cầu khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa trộm cắp tài sản tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Tuyệt đối không để số đối tượng có hành vi đeo bám, ép giá, cưỡng đoạt, xâm phạm tài sản của khách du lịch hoạt động ngang nhiên trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuần tra, mật phục tại các khu vực có nhiều người nước ngoài như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm, các điểm tham quan khu vực phố cổ. Lực lượng công an sẽ đấu tranh mạnh với một số đối tượng có hành vi cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản của người nước  ngoài vào ban đêm.

“Đặc biệt, nếu trên địa bàn phường nào để xảy ra tình trạng đeo bám, ép giá, cưỡng đoạt xâm phạm tài sản của khách du lịch mà không chủ động giải quyết, bắt giữ, xử lý thì cá nhân Trưởng CAP phải chịu trách nhiệm trước Trưởng CAQ” - Đại tá Hà Mạnh Hùng 

khẳng định.

Không để những “con sâu” hoành hành

Là người đã đến Hà Nội lần thứ hai, chị Amarina - một du khách người Australia cho biết, chị rất thích đi bộ trong phố cổ để mua sắm, tham quan và hòa mình vào sự tấp nập, nhộn nhịp nơi đây. Nhưng điều duy nhất khiến chị phiền lòng là còn gặp sự đeo bám khách của những người bán hàng rong và đánh giày.

Để tránh mất thời gian và những rắc rối phát sinh từ những dịch vụ không mong muốn, chị Amarina luôn tỏ thái độ kiên quyết từ chối ngay từ đầu. “Nhiều vị khách do lần đầu đến Hà Nội còn rụt rè không nỡ từ chối trước sự mời chào, đeo bám dai dẳng của những người bán hàng. Hậu quả là họ phải chịu  thiệt thòi khi phải bỏ ra số tiền cao hơn nhiều so với dịch vụ họ được hưởng. Để thu hút du lịch, Hà Nội cần có các biện pháp cứng rắn hơn đối với các đối tượng có hành vi chèn ép khách” - chị Amarina chia sẻ.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bắt ép, “chặt chém” du khách là do chế tài xử lý còn quá nhẹ. Một số người dân ở các địa điểm du lịch trong khu phố cổ còn nhiều hạn chế trong văn hóa ứng xử… Trước hiện tượng này, Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) bày tỏ quan điểm: “Trước tiên phải thấy xấu hổ khi có những vị khách cẩn trọng đến độ sử dụng dịch vụ nào (kể cả dịch vụ đã được niêm yết giá) cũng hỏi giá trước, thậm chí chấp nhận đi bộ nhiều cây số chỉ vì lo taxi, xe ôm, xích lô bắt chẹt”. 

Nạn “chặt chém” du khách không chỉ làm xấu hình ảnh Thủ đô mà còn tổn hại đến môi trường văn hoá, du lịch của cả nước nói chung. Đó là biểu hiện của lối làm ăn chụp giật, “ăn xổi”, chỉ thấy cái lợi trước mà không nhận thức được hậu quả về lâu dài”. Việc thay đổi suy nghĩ của du khách nước ngoài về du lịch Hà Nội không phải là chuyện một sớm một chiều chúng ta có thể làm được. Vì vậy, bản thân mỗi người Việt cần nâng cao tự ý thức trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ hình ảnh nước nhà.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin, vụ việc liên quan đến hành vi bắt chẹt, đeo bám khách du lịch” - Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình đề xuất.