Tìm hiểu Dự án Luật Cảnh sát cơ động và những điểm mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được các cơ quan chức năng xây dựng và đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 30 điều, sẽ được An ninh Thủ đô Cuối tuần đăng tải vào số báo tới. Tòa soạn muốn bạn đọc biết được: Vì sao cần phải xây dựng Dự án Luật Cảnh sát cơ động? Đâu là những điểm mới của dự thảo luật?
Cảnh sát cơ động Hà Nội diễu hành ra quân bảo vệ một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng

Cảnh sát cơ động Hà Nội diễu hành ra quân bảo vệ một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động cần được thay thế bằng Luật Cảnh sát cơ động

Cách đây 8 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014 và sau 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức…

Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực Cảnh sát cơ động mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động trong tình hình hiện nay. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới.

Thứ nhất, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng như chủ trương của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia đã xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đối với lực lượng Cảnh sát cơ động; bảo đảm lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại. Các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước nói trên đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn thành các quy định của pháp luật để tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thứ hai, Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của Cảnh sát cơ động; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ nhưng mới được quy định ở Pháp lệnh và các văn bản dưới luật. Do đó, cần thiết phải luật hóa các quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013... có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho Cảnh sát cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như: Chưa xác định Cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ theo đội hình chiến đấu…

Thứ tư, qua 7 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, cụ thể: Ban Bí thư đã kết luận về việc thôi thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; quy định về thẩm quyền điều động lực lượng Cảnh sát cơ động trong Pháp lệnh chưa đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tương quan lực lượng Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương; quá trình ra quân giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự của Cảnh sát cơ động có sự phối hợp vào cuộc của nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành và địa phương tuy nhiên Pháp lệnh chưa có quy định về cơ chế phối hợp, chỉ huy, chỉ đạo khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là các vụ việc phức tạp phải điều động lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường cho các địa phương.

Thứ năm, trong những năm qua, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn ngày càng gia tăng với quy mô, phạm vi lớn... ảnh hưởng đến lợi ích, tình hình an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, là điểm đến an toàn, thân thiện, hòa bình của các quốc gia, tổ chức quốc tế và người dân các nước, chúng ta đã và sẽ tiếp tục chủ trì đăng cai tổ chức các hội nghị cấp cao, thượng đỉnh quốc tế, khu vực, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Các thế lực phản động trong và ngoài nước với nhiều âm mưu, thủ đoạn tiếp tục chống phá nước ta, đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động, lôi kéo các lực lượng tham gia biểu tình, bạo loạn; hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây nhiều lo lắng trong nhân dân… Vì vậy, yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn cho Cảnh sát cơ động thực thi nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những nội dung quy định mới trong Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có một số quy định mới so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Có thể tóm lược ở 6 nội dung chính dưới đây:

1. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát cơ động thành 02 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà Cảnh sát cơ động đang thực hiện, cụ thể gồm:

Thứ nhất, dự thảo luật bổ sung thêm nhiệm vụ: Tham gia phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động;

Thứ hai, dự thảo luật bổ sung thêm quyền hạn: Được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan;

Thứ ba, dự thảo luật quy định cụ thể: Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; quy định Quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động

Thứ nhất, tại khoản 14 Điều 16 Luật Công an nhân dân có quy định Công an nhân dân được áp dụng 07 biện pháp công tác để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng dẫm về mặt nội dung của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động xây dựng theo hướng quy định Cảnh sát cơ động phải kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Thứ hai, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động quy định rõ hơn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với Cảnh sát cơ động, đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

3. Điều chỉnh thẩm quyền điều động của Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo hướng quyết định điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ theo phương án tác chiến để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều động Cảnh sát cơ động, phù hợp với các tình huống cụ thể nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Quy định về việc phối hợp của Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, gồm: Quy định về nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp của Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Bổ sung quy định về bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng của Cảnh sát cơ động.

6. Bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động cụ thể gồm: Quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.

Có thể nói, Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động chính là nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát cơ động, luật hóa những quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.