Tiết kiệm phải đúng cách

ANTĐ - Trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá nhưng tiền kiếm được lại hạn chế, nhiều bà nội trợ phải có cách thắt lưng buộc bụng, từ đầu vào đến đầu ra, đến mức khó tin. 
Tiết kiệm phải đúng cách  ảnh 1

Chiến dịch “siêu tiết kiệm”

Hơn nửa năm nay, gia đình ông Danh Hùng (Đền Lừ, Hà Nội) khốn khổ vì “thiết quân luật” của vợ. Gia đình ông có 3 thế hệ, 5 miệng ăn. Hai ông bà về hưu, cả hai người chưa được 3 triệu đồng tiền lương. Hai vợ chồng con trai cũng có thu nhập xấp xỉ 8 triệu đồng. Nhưng ngặt nỗi, hai năm trước vừa vay nợ ngân hàng để mua nhà nên mỗi tháng phải trả lãi hơn 4 triệu đồng. Con trai, con dâu đi làm, tiền xăng xe, ăn trưa, điện thoại, tằn tiện cũng phải để cho mỗi đứa 1 triệu đồng tiêu pha. Tiền điện nước đã mất đứt 500.000 đồng một tháng. Tiền học và ăn bán trú của cháu cũng gần 600.000 đồng. Chỉ còn 4 triệu đồng để chi tiêu. Ngày trước, bà  Thảo (vợ ông Hùng) cầm 50.000 đồng là đủ mua cá thịt, rau cho gia đình dùng một ngày. Còn giờ, bà cầm 100.000 đồng đi chợ, cũng chỉ mua được 4 bìa đậu, 3 lạng thịt ba chỉ, 1 lạng tôm cho cháu, mớ rau, quả cà là hết veo. Bằng đấy thức ăn, bà chỉ dám gắp cho ông 2 miếng đậu, 3-4 miếng thịt vào buổi trưa, còn lại dành cho buổi chiều. Bà làm thêm lọ vừng để nếu thiếu thức ăn thì trộn vào cho dễ nuốt. Tiền gạo, mắm muối, dầu mỡ… tiền rác, tiền Internet, tiền truyền hình cáp…, khiến bà Thảo lúc nào cũng cháy túi. 

Nghe báo chí đưa tin tình hình kinh tế khó khăn hơn, bà Thảo họp gia đình để bàn bạc và ra quyết sách “thắt lưng buộc bụng”. Để giảm giá, bà đi bộ ra chợ đầu mối, tìm đến các cửa hàng đã bán hết hàng đẹp, lựa loại cà chua, rau quả xấu mã cho rẻ. Mỗi tháng cũng tiết kiệm thêm được vài trăm ngàn đồng. Thay vì mì gói, bà mua mì cân cho cả nhà ăn sáng. Nếu không thì nắm cơm từ hôm trước để sáng hôm sau cả nhà ăn với muối vừng. Con trai, con dâu đi làm đều toòng teng cặp lồng mang cơm đi ăn trưa. Đèn cũng chỉ được bật từ 18h - 21h phải tắt, quạt cũng hạn chế. Hôm nào nóng quá thì cả nhà vào siêu thị để ngắm hàng, hưởng máy lạnh, nhưng lúc ra về cũng chỉ được mua cho cháu gói bimbim. Để “tiết kiệm hơn”, bà mua bếp than về dùng. 

Có một quy định khiến mọi người “nghẹt thở” là cả nhà phải đi vệ sinh cùng lúc để “tiết kiệm nước”. Con dâu, con trai tự tắm giặt ở cơ quan, còn ở nhà, ông, cháu mỗi người được phát cho một chậu nước để tắm. Mà tắm cũng đứng trong một chậu khác để lấy đổ vào nhà vệ sinh hoặc tưới cây. Nước giặt, nước rửa rau mang ra rửa xe, lau sân.  Được một tháng, bà Thảo hỉ hả vì chi phí gia đình giảm được tới 600.000 đồng.

“Lỗ hà ra lỗ hổng”

Cách tiết kiệm của bà Thảo có vẻ quá “cực đoan”. Chị Bình (con dâu bà Thảo) thở hắt ra: “Cơm lúc nào cũng rau luộc (cho đỡ tiền mỡ) với muối vừng, đậu phụ. Thi thoảng có tí cá ươn, cá khô mặn chát. Nhưng sợ nhất là việc “đi vệ sinh không được xả nước”. Đến độ, về nhà là mình “nhịn”, không dám uống nước để khỏi phải đi vệ sinh”. 

Được một dạo thì chị Bình bị tiểu buốt. Đi khám, các bác sĩ bảo do chị uống nước ít, nhịn tiểu lâu nên dẫn đến viêm bàng quang. Còn con gái chị cũng bị ho suyễn, uống thuốc mãi không khỏi. Đến khi bác sĩ hỏi về môi trường sống thì chị mới vỡ lẽ “do cái bếp than khói nghi ngút” của bà nội. Vận động mãi, bà Thảo mới bỏ được cái bếp đi thì cả nhà bị ngộ độc thực phẩm, cả bố chồng lẫn chồng chị Bình đều phải đi cấp cứu. Nguyên nhân là vì ăn phải cá biển ôi thiu, bà Thảo ham rẻ mua về. Cả nhà được phen lao đao. Tính tiền thuốc men, tiền viện phí tổng cộng gấp mấy chục lần số tiền tiết kiệm được. 

Bà Lê Thị Túy - Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam cho biết: “Nhiều chị em mở chiến dịch siêu tiết kiệm, ham đồ rẻ, đồ ế, đồ giảm giá rước về nhà nên có khi tiền mất tật mang. Đồ ế, đồ giảm giá thường có chất lượng thấp, rước về thì cũng chẳng dùng được. Còn đồ thực phẩm rẻ thường ôi thiu, hỏng mốc, mang về ăn sẽ rước bệnh, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng”. 

Theo bà Túy, nhóm bạn bè già của bà khi gặp nhau, thường bàn tán về chuyện lạm phát, giảm phát, ảnh hưởng đến việc chi tiêu trong nhà. Các bà bàn cách tiết kiệm như mua bún, miến, phở về chế biến bữa sáng ở nhà. Mua 10.000 đồng bún, 10 nghìn đồng đậu, thêm ít chanh ớt thì cả nhà 4-5 người “ăn nhòe”. Nếu không thì nấu xôi ăn với thịt kho tàu. Mua ngao về nấu bún miến… Tất cả đều rẻ mà sạch sẽ, vệ sinh, không lo ngộ độc. Còn điện nước, gas đều phải tiết kiệm nhưng còn phải tính đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tiết kiệm mà ở bẩn đến mức sinh bệnh thì quá là tự hại mình. “Hơn nữa, không khí gia đình cũng không thể vui vẻ, thoải mái nếu như sống quá tiết kiệm, quá khổ cực. Như thế, các thành viên đều rệu rã tinh thần, chán về nhà, mối quan hệ tình cảm sẽ lỏng lẻo đi” - bà Túy cho biết. 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi (Chủ nhiệm CLB người tiêu dùng nữ Hà Nội) cũng cho biết, các bà nội trợ nên biết lựa chọn thực phẩm, mua đủ dùng, bữa ăn sẽ tươi ngon mà tránh ăn thừa, đổ đi. Nếu có thể thì mỗi chị em nên tự biết may vá để may các đồ dùng, quần áo mặc ở nhà cho mình và con cái. Nếu có điều kiện thì nên trồng rau, làm giá đỗ hoặc trồng rau mầm trong nhà để vừa có thực phẩm sạch và rẻ. Nhưng cái chính phải kiểm sóat để không “cao hứng” lỡ tay mua sắm quá nhiều đồ, chẳng khác nào “lỗ hà ra lỗ hổng”.