Tiết giảm chi tiêu những dịch vụ không thiết yếu

ANTĐ - Đó là xu hướng của người tiêu dùng nội địa trong bối cảnh lạm phát cao, kinh tế khó khăn như hiện nay. Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong năm 2012.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, không khí mua bán trên thị trường tết năm nay kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây. Một phần là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, phần nữa là do xu hướng mua sắm tết muộn hơn, tập trung vào những ngày sát tết. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1-2012 ước đạt 191.061 tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với tháng 12-2011.

Phân tích xu hướng tiêu dùng này, một chuyên gia kinh tế dẫn chứng, năm 2011, ngành du lịch và dịch vụ có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (24,2%), lần lượt là 9,2% và 22,1%. Điều này thể hiện trong tình hình kinh tế gặp khó khăn, người dân đã cắt giảm nhu cầu chi tiêu đối với những dịch vụ không thiết yếu.

Báo cáo tài chính của một ngân hàng về kinh tế Việt Nam được thực hiện trong tháng 1-2012 nhận định, tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong năm vừa qua có đóng góp rất lớn của tiêu dùng nội địa. Nhưng càng về cuối năm 2011, tiêu dùng càng suy giảm. Dự báo năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể dừng ở một con số. Tuy nhiên, CPI thấp khó có thể xảy ra vào những tháng đầu năm nay, mà người dân phải chờ đợi điều này từ giữa năm, đồng nghĩa với việc tiết kiệm tiêu dùng vẫn được đa số người dân lựa chọn.

Chị Hương Mai (Giảng Võ - Hà Nội), công tác tại Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Thu nhập của 2 vợ chồng tôi giữ ổn định, trong khi giá hàng hóa, dịch vụ... đều tăng khiến cả nhà phải thực hiện chính sách tiết kiệm. Dường như gia đình tôi không có tích lũy trong nhiều tháng nay”. Cùng chung tâm lý này, những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi giá một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, thực phẩm, rau xanh tăng cao đã khiến nhiều bà nội trợ hạn chế mua sắm. Người bán hàng cũng vì lý do này mà nhanh chóng giảm sâu giá bán để tăng sức mua.

Dựa vào các tính toán trên đây, Bộ Công Thương dự kiến tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 2012 tăng khoảng 22% so với năm 2011, ước đạt khoảng 2.445 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức thực tăng 24,2% trong năm vừa qua.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ này có chủ trương thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong nước vì đây vẫn được coi là bộ phận quan trọng của hoạt động thương mại. “Trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát” - vị lãnh đạo cho hay.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết sẽ bị xử lý nghiêm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường nhằm tăng cường niềm tin của người tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy tiêu thụ và kích thích sản xuất.