Tiếp cận bình tĩnh, thông minh để đón đầu hiệu quả

ANTD.VN - Thấp thoáng đâu đó trong sản xuất, nhiều mô hình của nông dân đã manh nha tiếp cận nông nghiệp 4.0 với những tìm tòi sáng tạo, đổi mới trong sản xuất để mang lại hiệu quả cao, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, có chăng chỉ là một số mô hình sản xuất thông minh thông qua hợp tác quốc tế về canh tác lúa, rau. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ NN&PTNT cần “nói ít và làm nhiều hơn”, để thực sự đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0. 

Tiếp cận bình tĩnh, thông minh để đón đầu hiệu quả ảnh 1Nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển trong cách mạng Công nghiệp 4.0

Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ 

Tại Việt Nam, dù chưa rõ định hình về nông nghiệp 4.0 nhưng nhiều nông dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cũng đã và đang áp dụng một phần của nền nông nghiệp 4.0. Bên cạnh những mô hình của các tập đoàn lớn như Vineco của Tập đoàn Vingroup, TH của Tập đoàn TH… đã xuất hiện những nông dân tự mày mò bước vào nền nông nghiệp 4.0. 

Khoảng 3 năm trở lại đây, nông dân Bắc Giang, Lạng Sơn đã biết áp dụng công nghệ để “ép” na cho quả 2 vụ/năm. Đặc biệt, na trái vụ (dịp cuối năm), còn cho quả ở toàn bộ thân cây, mang lại năng suất cao, lợi nhuận lớn. Hiện nay, nông dân huyện Lục Nam, Bắc Giang đã chuyển khoảng 1/3 diện tích na sang trồng, chăm sóc na trái vụ bởi giá bán thường cao hơn. 

Ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX na dai Lục Nam cho biết: “Làm na trái vụ thường vất vả hơn do phải chú ý đến sinh trưởng, phát triển của cây, đồng thời phải có chế độ chăm sóc khoa học. Hiện nay, chỉ có những gia đình đủ nhân lực, thời gian mới có thể làm được nhưng cũng là một con số đáng khích lệ. Chúng tôi đang từng bước giảm dần diện tích na chính vụ để chuyển sang na trái vụ”. 

Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Nam, Bắc Giang thông tin thêm, vụ na năm 2017, huyện thắng lớn. Thời gian thu hoạch na đã kéo dài từ tháng 6 đến khoảng tháng 12. Sản lượng ước đạt 14.000 tấn, với giá bán trung bình vào chính vụ là 20.000 đồng thì người dân Lục Nam đã có thể thu về gần 300 tỷ đồng. 

Cũng hướng tới nông nghiệp 4.0, nông dân Lê  Đức Giáp ở Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội nhiều năm nay đã “bắt” 1 loại cây phải có 11 loại quả để chơi mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ý tưởng ghép cây nhiều loại quả bắt đầu từ năm 2007, tuy nhiên 2 năm đầu, cây do ông ghép không cho kết quả như mong đợi vì ra quả không đúng dịp Tết và thân cây yếu khi sử dụng cam để ghép.

“Tôi mất khoảng 7 tháng để ghép quả lên cây, loại quả ưu tiên là bưởi (bưởi Diễn, bưởi sần, bưởi đỏ, bưởi da xanh…) vào tháng 4. Sau đó, tháng 5 ghép các loại cam, chanh đào, đến tháng 8 bắt đầu ghép quả phật thủ, quất”, ông Giáp chia sẻ.

Đến năm 2009, sản phẩm cây nhiều loại quả của ông được nhiều người biết đến. Thu nhập của gia đình ông từ việc bán cây bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Năm nay, tại vườn của ông Giáp có hơn 60 gốc cây cảnh ngũ quả và quá nửa trong đó đã được đặt mua từ cách Tết nhiều tháng.

Cần “nói ít, làm nhiều”

Tại diễn đàn nông nghiệp 4.0 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam phải tiếp cận nông nghiệp 4.0 bình tĩnh và thông minh trên cơ sở lựa chọn ngành hàng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thân cho người nông dân và xã hội. 

“Trước đây ta đã nói nhiều kinh tế tri thức mà nói mãi không biết làm gì? Các nước họ không nói nhiều tới cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 mà chỉ làm thực chất. Ta cũng phải ít nói đi mà hãy bắt tay vào thực hiện sáng tạo thông minh vì mục tiêu thương mại, sức khỏe của người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Để phát triển, hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng đề nghị cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông); coi trọng công tác truyền thông để tạo đồng thuận và thay đổi nhận thức xã hội về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với sức khỏe con người. 

“Bốn nhà” cần xác định các công nghệ, lĩnh vực trong khu vực nông nghiệp cần ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới trên thế giới. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách về thuế, chi ngân sách Nhà nước, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thị trường...; trong đó chú trọng các cơ chế huy động nguồn lực theo thị trường, bảo đảm hiệu quả, bền vững như cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, phát triển bảo hiểm nông nghiệp. 

Ngoài ra, các ngành, doanh nghiệp phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vận hành, phát triển nông nghiệp 4.0, trong đó tập trung nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp…; chủ động, tăng cường hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác...

Cần chính sách mở đường

Tiếp cận bình tĩnh, thông minh để đón đầu hiệu quả ảnh 2

“Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sự đột phá, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý. 

Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của thế giới; Tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất; Ban hành những chính sách sát thực tiễn sản xuất, có “tính sống” cao nhằm huy động các nguồn lực để tiến quân vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất mới có thể tạo ra nông sản độc đáo, an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh cao vào năm 2020”.

Tiến sĩ  Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Canh tác dựa vào công nghệ kỹ thuật số

Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ XX, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và 1/3 dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô. 

Nông nghiệp 2.0 là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào phân đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia. 

Nông nghiệp 3.0 từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Được sử dụng đầu tiên tại Đức, nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi (có thể hiểu rộng hơn sang cả thủy sản và lâm nghiệp) về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số…