Diễn biến phiên tòa đại gia “siêu lừa”:

Tiền tỷ chiếm đoạt “chảy” đi đâu?

ANTĐ - Chiều nay (19-9), TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Lê Mãn Thân - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Petroconex phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lê Mãn Thân cố tình “né” ống kính PV khi bị chụp ảnh tại phiên tòa


Quanh co chối tội

Liên tiếp “giăng bẫy” những “con mồi”, sau khi gặp gỡ và nói với chị N.T.H.G. (trú ở quận Thanh Xuân) là có khả năng mua được đất tại dự án Geleximco, ngày 22-6-2009, Lê Mãn Thân ký hợp đồng dịch vụ số 086 với nội dung công ty của Thân sẽ đứng ra thực hiện dịch vụ để chị G. mua được 36 lô đất tại khu D24 dự án này. Mức giá trung bình mà Thân “hứa” với nhà đầu tư là 17.300.000 đồng/m2.

Ngay trong ngày ký kết hợp đồng, chị G. đã phải chuyển cho Thân 1,8 tỷ đồng đặt cọc. Hết thời hạn giao ủy nhiệm chi nhưng không thấy động tĩnh gì, chị G. truy hỏi thì đối tượng yêu cầu phải đưa thêm 2 tỷ đồng nữa để “chi phí ngoại giao” và hẹn sẽ hoàn trả sau vài ngày. Thế nhưng thêm một lần nữa, chị G. bị đối tượng “đưa đẩy” lún sâu vào “cái bẫy” đã cài sẵn.

Trước khi bị khởi tố, bản thân bị cáo cùng người thân mới chỉ hoàn trả được hơn 5 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 8,7 tỷ đồng của 5 bị hại. Tại phiên xét xử, Thân luôn miệng cho rằng số tiền chiếm đoạt của các bị hại đã dùng vào các khoản chi phí “ngoại giao”, đặt mua một số lô đất và ăn tiêu hết, song lại không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào thể hiện việc đã giao tiền chiếm đoạt của bị hại cho người khác. Với số tiền chiếm đoạt quá lớn, lại chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng khiến HĐXX không thể tin được bị cáo đã ăn tiêu hết. Khi bị chủ tọa truy vấn gắt gao về số tiền đó, ngoài những lời lẽ ngụy biện như trên, “đại gia” ngày nào chỉ còn biết đối phó bằng cách… im lặng.          


“Tố ngược” cả bị hại lẫn công an 

Không chỉ “hoạt ngôn” trong quá trình lừa bịp mà ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa, Lê Mãn Thân vẫn tỏ ra là một đối tượng đầy “chất” lưu manh. Trong ngày đầu xét xử (16-9), trước khi kết thúc phần thẩm vấn, “siêu lừa” này đã lớn tiếng “tố cáo” một số bị hại và cả CQĐT trước tòa, từ đó đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cụ thể Lê Mãn Thân cho rằng hắn không bỏ trốn. Ngày 27-6-2010, trong khi đối tượng “đang bận” đi công tác và tạm trú tại một khách sạn ở Thanh Hóa thì bị 2 trong số 5 bị hại đến gõ cửa, rồi xông vào dùng dao khống chế áp giải tới cơ quan công an. Đối tượng “bạo miệng” quy kết, bị hại đã xâm phạm chỗ ở hợp pháp cũng như sức khỏe, thân thể hắn. Đối với CQĐT, Thân cho rằng đã vi phạm tố tụng khi “phớt lờ” hành vi sai trái của bị hại đối với hắn và đã không đưa vụ việc vào hồ sơ vụ án… Để chứng minh cho tố cáo của mình là có cơ sở xác đáng, Thân viện dẫn nhân chứng biết rõ vụ việc bị áp giải tới cơ quan công an là một người bạn của đối tượng. Tuy nhiên, khi HĐXX căn vặn nhân chứng là ai, ở đâu thì đối tượng lại... tắc tịt. Lẽ tất nhiên, tòa án không thể chấp nhận đề nghị vô lý đó. Mặt khác, ngay khi bước vào ngày xét xử thứ 2, hôm qua (19-9), Lê Mãn Thân đã rút lại “tố cáo” trước tòa. 

Trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo từng có 1 tiền án và 1 tiền sự cùng về hành vi lừa đảo, nhưng không lấy đó làm bài học. Trước khi đề nghị mức án từ 18 - 20 năm tù giam, đại diện VKS đã viện dẫn một số tình tiết giảm nhẹ là đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tuy nhiên, luật sư và 4/5 bị hại có mặt tại phiên tòa đều không đồng tình với nhận định trên. Do tính chất phức tạm của vụ án, nên bản án chính thức sẽ được TAND TP Hà Nội đưa ra vào ngày mai, 20-9.