Tiền thật + học "giả" = Tấm bằng đại học khống

ANTD.VN - Bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chuyên ngành tiếng Anh của ĐH Đông Đô đã được cấp công khai cho hàng trăm sinh viên trong suốt 2 năm nay trong khi đơn vị này không hề được cấp phép đào tạo. Chỉ sau khi cơ quan công an có lệnh khởi tố và bắt bị can đối với Hiệu trưởng trường này thì sự thật về những chiếc bằng tốt nghiệp ĐH siêu tốc mới được vạch trần. Người ta cũng giật mình về nguồn thu khổng lồ từ hành vi giả mạo này của một đơn vị đào tạo đại học lâu năm có tiếng giữa Thủ đô. 

Đánh vào tâm lý học viên  là muốn bằng mọi cách nhanh nhất có thể, đặc biệt là không phải thi, không phải học chỉ mất tiền là có bằng, nên chỉ riêng trong năm 2018, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Khoản thu không hề nhỏ từ hàng trăm học viên với mức phí 30 đến 35 triệu đồng/người khiến người đứng đầu một trường ĐH cùng bộ phận tuyển sinh của trường này không ngần ngại cấp những tấm bằng được đóng dấu, ký tên đầy đủ nhưng hoàn toàn không mất công đào tạo. 

Đáng nói là hành động này không phải được thực hiện một cách lén lút như những hành vi giả mạo thông thường. ĐH Đông Đô ngang nhiên quảng cáo, nếu có được văn bằng 2 chuyên ngành tiếng Anh của trường này, học viên sẽ được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính... theo quy định hiện hành. 

Sự việc đang được điều tra, làm rõ nhưng việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Hiệu trưởng ĐH Đông Đô cùng những đối tượng liên quan cho thấy sai phạm rõ ràng không thể chối cãi của việc cấp văn bằng siêu tốc. Điều này khiến dư luận xã hội bất ngờ bởi chỉ cần có vài chục triệu đồng, việc có được một tấm bằng tốt nghiệp ĐH sao lại dễ dàng, đơn giản bán mua đến vậy! Đáng phẫn nộ hơn là những tấm bằng siêu tốc này được cấp phát một cách công khai cả năm trời mà không bị cơ quan quản lý "tuýt còi".

Dư luận xã hội đang đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của cơ quan chủ quản ở đây là Bộ GD-ĐT, đặc biệt là những tấm phôi bằng được dùng làm bằng tốt nghiệp siêu tốc của ĐH Đông Đô  do Bộ GD-ĐT cung cấp. Trong sự việc này, người bỏ tiền ra lấy bằng phải chịu thiệt hại cả về tiền bạc lẫn danh tiếng cũng như trách nhiệm nếu bị xử lý theo quy định, người cung cấp bằng giả sẽ phải chịu xử lý từ cơ quan pháp luật. Còn đối với cơ quan quản lý trực tiếp của ĐH Đông Đô, chắc chắn cũng không chối bỏ được trách nhiệm. Bởi thế, công luận càng đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT trong vụ việc gây mất tín nhiệm nghiêm trọng về chức năng đào tạo đại học như vụ án xảy ra tại trường ĐH Đông Đô đang được điều tra, làm rõ.