Tiền hết - bệnh khỏi (?!)

ANTĐ - Chín người bị chém, một người sau đó đã tử vong tại bệnh viện do thương tích quá nặng. Thông tin về vụ án xảy ra ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm hôm 9-9 vừa rồi càng khiến người ta đau lòng hơn khi biết hung thủ gây án có quan hệ họ hàng thân thiết với nhiều trong số 9 nạn nhân, và động cơ gây án lại… chẳng xuất phát từ mâu thuẫn, thù hằn gì. Một lý giải được đưa ra, đó là hung thủ từng có tiền sử về bệnh tâm thần, và đã được “chữa khỏi” cách đây nhiều năm.

“Giọt nước tràn ly” là cách gọi không thể khác về vụ án thương tâm ở xã Yên Thường. Thi thoảng, dư luận lại nhói lòng, giật mình trước thông tin ở địa bàn này, địa phương kia xảy ra án mạng do người tâm thần gây nên. Mà phần lớn, hậu quả các vụ án đều hết sức nghiêm trọng. Đã có không biết bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị được đưa ra sau mỗi vụ án. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó; khi nỗi đau của gia đình bị hại tạm qua đi, khi hung thủ - người tâm thần gây án bị áp dụng biện pháp ngăn chặn (như thi hành án phạt tù, bị đưa vào bệnh viện điều trị tâm thần…), thì mọi việc lại có vẻ lắng xuống. “Ly nước” người mắc bệnh tâm thần gây án cứ dai dẳng, “mấp mé” bao nhiêu năm nay rồi.

“Rất khó để chữa khỏi được bệnh tâm thần”, một bác sỹ chuyên khoa thần kinh của bệnh viện Thanh Nhàn nhận định. Người mắc bệnh tâm thần chỉ có thể ổn định được tâm - sinh lý, có thể biết và tự kiểm soát được phần nào hành vi của mình trong và thời gian ngắn sau khi sử dụng thuốc điều trị. Có những người may mắn hơn, tưởng là “khỏi” được thời gian dài, nhưng thực chất, bệnh vẫn đang “ủ”, chờ đến thời điểm “thuận lợi” sẽ tái phát. Không kiểm soát được hành vi, không nhận biết được thực tại xung quanh mình, người mắc bệnh tâm thần sẽ bộc lộ vô vàn cử chỉ, hành vi chệch chuẩn, mà nặng nhất, đỉnh điểm nhất sẽ là gây họa với mọi người xung quanh, kể cả người thân.

“Ly nước” người tâm thần gây án chỉ có thể không “tràn”, nếu chúng ta có biện pháp kiểm soát, phòng bệnh định kỳ, lâu dài đối với họ. Các bệnh viện tâm thần - hơn ai hết - làm được điều này. Nhưng “cơ chế” để bệnh viện thực thi điều đó lại không có. Người tâm thần chỉ được điều trị khi gia đình họ có tiền, tự nguyện đưa người nhà đến viện. Còn khi tiền đã hết, người bệnh sẽ phải về, ngay cả lúc bệnh chưa khỏi. Bao nhiêu nguy cơ ấy đã và đang “dồn” người tâm thần ra xã hội, cộng đồng xung quanh. Và sẽ rất khó tránh khỏi những câu chuyện thương tâm như vụ án ở Yên Thường hôm rồi…