Tiền đi liền trách nhiệm

(ANTĐ) - Năm sắp hết, Tết Nguyên đán đang đến gần, kề bên nỗi lo canh cánh về giá cả hàng hóa cuối năm “sốt thật - sốt ảo”, hàng triệu người làm công ăn lương, người lao động trong các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp nhà nước và ngoài khu vực tư nhân không khỏi mong chờ thấp thỏm chuyện tiền lương, tiền thưởng. Dù cho giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào, nhưng “hầu bao” không căng thì đừng nói chuyện sắm sửa, tiêu pha gì. Ấy là chưa kể, tăng lương, tăng tiền thưởng vẫn không “đuổi” kịp giá cả tăng chóng mặt.

Tiền đi liền trách nhiệm

(ANTĐ) - Năm sắp hết, Tết Nguyên đán đang đến gần, kề bên nỗi lo canh cánh về giá cả hàng hóa cuối năm “sốt thật - sốt ảo”, hàng triệu người làm công ăn lương, người lao động trong các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp nhà nước và ngoài khu vực tư nhân không khỏi mong chờ thấp thỏm chuyện tiền lương, tiền thưởng. Dù cho giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào, nhưng “hầu bao” không căng thì đừng nói chuyện sắm sửa, tiêu pha gì. Ấy là chưa kể, tăng lương, tăng tiền thưởng vẫn không “đuổi” kịp giá cả tăng chóng mặt.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay chưa hình thành được quy chế tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các quy định hiện hành về lương, thưởng còn thiếu đồng bộ; chưa gắn liền với các tiêu chuẩn, điều kiện về bổ nhiệm, đánh giá, kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý, điều hành của người đại diện.

Mặc dù yêu cầu tiền lương, thưởng phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, song việc xác định các chỉ tiêu này đều do doanh nghiệp tự quyết định và chỉ phải đăng ký với đại diện chủ sở hữu trước khi thực hiện. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể về thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu trong việc tiếp nhận, xem xét những chỉ tiêu do doanh nghiệp đăng ký, vì thế dẫn đến tình trạng tiền lương, tiền thưởng không thực sự gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nói ngắn gọn, đồng tiền chưa đi liền trách nhiệm. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - cơ quan thay mặt nhà nước làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp phản ánh, nhiều đại diện vốn  lạm quyền, biểu quyết mà không hề xin ý kiến SCIC. Đặc biệt, nhiều trường hợp doanh nghiệp phát hành vốn cho cổ đông với giá thấp, nhưng không phát hành cho SCIC, thực chất là “pha loãng” cổ phần nhà nước. Hiện có tới 8,5% người đại diện vốn thuộc quyền quản lý của mình là cán bộ các bộ, ngành, địa phương.

Vướng mắc là ở chỗ, hiện chưa có quy định rõ quyền, trách nhiệm và các chế độ đối với người đại diện nên dù kiêm nhiệm hay chuyên trách, mỗi doanh nghiệp một kiểu. Nơi thì người đại diện làm ít, hưởng nhiều hoặc ngược lại. Phó Vụ trưởng Vụ Tiền công - tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phản ánh, nhiều doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận và năng suất lao động không tăng nhưng tiền lương của người quản lý tăng từ 1,3-1,5 lần. Có công ty lợi nhuận giảm mà tiền lương vẫn tăng.

Cá biệt, có doanh nghiệp trả lương cho người quản lý trên 130 triệu đồng/tháng (gấp 3-4 lần so với mức lương khi còn là công ty nhà nước và gấp tới 20-30 lần so với tiền lương của người lao động). Đối với người đại diện giữ chức vụ kiêm nhiệm thường được các doanh nghiệp trả thù lao từ 15-20 triệu đồng/tháng. Cá biệt có doanh nghiệp trả hàng trăm triệu đồng/tháng. Lúng túng về cơ chế người đại diện còn thể hiện cả ở các cơ quan chức năng.

Hiện tại SCIC mới chỉ nắm phần vốn nhà nước tại 540 doanh nghiệp, tức là chưa đến 3%. Người đại diện phần vốn nhà nước là quan chức hay chỉ đơn thuần là người đi làm thuê cũng gây nên những cách hiểu khác nhau dẫn đến cách hành xử khác nhau.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, còn một “lỗ hổng” khác, đến nay chưa có những quy định về việc bổ nhiệm các chức danh đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Đồng lương, đồng tiền đi liền quyền, trách nhiệm quả thật không dễ dàng. Tất nhiên không có chuyện cào bằng tiền lương, tiền thưởng, song tình trạng “ăn thật, làm giả”, “người ăn không hết kẻ lần chẳng ra” vẫn còn tồn tại dai dẳng, gây bất công lớn, không chỉ kìm hãm mà còn ngáng trở, triệt tiêu động lực lao động và sáng tạo.

Đan Thanh