Tiền "chảy" vào chỗ trũng

ANTD.VN - Hiện nay cả nước có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó có tới 97% là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Nhiều ngân hàng lớn trong khi gần như đóng chặt cửa với nhóm doanh nghiệp “thấp bé, nhẹ cân” này, thì lại sẵn sàng cho doanh nghiệp lớn vay tín chấp với mức lãi suất khá ưu đãi 6,5-7% với hạn mức cả trăm tỷ đồng. Nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng khả năng cho vay không cần tài sản bảo đảm. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “đói” vốn kinh niên.

Sở dĩ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ngân hàng từ chối cho vay vì thiếu tài sản bảo đảm hoặc các loại tài sản đảm bảo đủ điều kiện cho vay lại vượt quá khả năng của họ. Nhìn vào “sức khỏe” của nhóm doanh nghiệp này phải thừa nhận thể lực rất yếu như mức tín nhiệm thấp, quản lý sổ sách không rõ ràng, lợi nhuận thấp, quản lý dòng tiền kém.

Đã vậy, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, chủ yếu là nhà đất, muốn vay tín chấp tìm đến gõ cửa quỹ bảo lãnh tín dụng thì lại vướng vào thủ tục nhiêu khê, rườm rà, điều kiện vay vốn cũng đòi hỏi tài sản thế chấp như vay ngân hàng. Hơn thế, khi các quỹ không cho vay đồng nào, không thu lãi, thế nhưng nếu ngân hàng cho vay xảy ra sự cố thì quỹ bảo lãnh phải “nai lưng” gánh hết, còn ngân hàng coi như vô can. 

Mấy năm qua đã triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng hầu hết là những doanh nghiệp đã đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Ngay cả một số ngân hàng đã triển khai cho vay tín chấp doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải đảm bảo đáp ứng những điều kiện khắt khe như hoạt động từ 2 năm trở lên, không có nợ nhóm 2, có doanh thu trên báo cáo thuế tối thiểu 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp may mắn được vay vốn cũng chẳng “sung sướng” gì bởi mức lãi suất tín chấp hiện ở mức 17-19% thực sự quá cao. Vay được tiền rồi cũng phải xoay xở làm ăn sao cho có lãi để trả nợ.

Lý do mà các ngân hàng đưa ra giải thích cho việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn là ngân hàng lo ngại không thu hồi được nợ, nợ xấu gia tăng. Đương nhiên ngân hàng phải “nắm đằng chuôi”, song theo một số chuyên gia, tình trạng phổ biến đáng lo ngại là ngân hàng không phân tích, đánh giá được lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động để chủ động cho vay.

Ngay cả nhân viên tín dụng cũng thiếu am hiểu thị trường để có thể thẩm định, đánh giá khoản vay, phương án kinh doanh có khả thi hay không. Rõ ràng là, ngân hàng phải tìm đến doanh nghiệp để hiểu được tình trạng tiền “chảy” vào chỗ trũng, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn mỏi mắt mong ngóng được vay tín chấp.