Tiềm ẩn nguy cơ cháy nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh sản xuất

ANTD.VN - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh (SXKD) làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây lo lắng trong nhân dân...

Lực lượng cứu hỏa phá lồng sắt cứu người mắc kẹt tại vụ cháy nhà ở kết hợp nơi bán hàng tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Đã có hàng trăm vụ cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp cơ sở KDSX gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào cuối tháng 7- 2017, tại ngôi nhà 4 tầng ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm 2 người chết và vụ vụ cháy ngôi nhà 5 tầng vào cuối tháng 9-2017, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khiến 2 cháu bé tử vong. Những vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo cần có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho loại hình nhà ở kết hợp này.

Ẩn họa cháy luôn rình rập

Câu hỏi đặt ra là hàng trăm vụ cháy xảy ra mỗi năm, trong đó có hàng chục vụ gây thương vong về người, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc cảnh báo vẫn chỉ là cảnh báo của các lực lượng chức năng... Thông qua các vụ cháy cho thấy, ý thức của người dân còn thờ ơ với việc phòng ngừa hỏa hoạn.

Nói theo Chỉ huy của một Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, thì điều trớ trêu nhất đối với việc toàn dân tham gia phòng ngừa cháy, nổ là họ có thể bỏ hàng tỷ đồng để mua sắm tài sản trong gia đình và hàng hóa, nhưng không bỏ ra dù chỉ vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Điều đó có nghĩa là, công tác hạn chế các vụ cháy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán hàng xen lẫn nơi ở hiện nay.

Hiện trường vụ cháy tại nhà xưởng làm bánh kẹo, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội khiến 8 người tử vong

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, hiện nay, cơ sở SXKD nằm trong nhà ở rất phổ biến, chiếm gần trọn 100% ở tại các tuyến phố, mặt phố. Trong khi đó, các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng hóa dễ cháy, nổ như hàng tạp hóa, bình chứa khí gas, quần áo, các loại hình KDSX nghề thủ công...

Ngoài một số cơ sở có quy mô lớn, mặt bằng rộng, điều dễ nhận thấy trong hầu hết những nhà ở kết hợp nơi SXKD, kho bãi là sự bừa bộn; kho chứa thiếu ngăn nắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Điển hình là hiện trường vụ cháy tại ngôi nhà 5 tầng ở thị trấn Xuân Mai. Theo quan sát của PV lúc xảy ra vụ cháy, khi đó dưới tầng 1 và tầng hầm của ngôi nhà 5 tầng chứa nhiều hàng hóa dễ cháy như xăm, lốp, dầu mỡ; còn các tầng trên gia chủ sử dụng để sinh hoạt, ăn ở. Trong khi đó, lối thoát nạn và hệ thống báo cháy nơi đây không có. Như vậy, nguy cơ xảy cháy quá hiện hữu song không phải người dân nào cũng nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của nó và không phải ai cũng chấp hành nghiêm các nguyên tắc an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh của mình.

Hiện trường vụ cháy nhà dân tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khiến 2 nạn nhân tử vong

Từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra trong năm vừa qua, cho thấy hệ thống dây dẫn điện trong những loại nhà KDSX, kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Hơn nữa, không có sự bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp, treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải… gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện…

Đại tá Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4 - quận Long Biên thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nôi cho biết: “Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính, đồng thời cũng là cửa thoát nạn, mà không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói. Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo, lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, xây dựng các “lồng” bằng thép kiên cố ở khu vực ban công. Ngoài ra, các loại nhà ở kết hợp SXKD chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề, dẫn tới nguy cơ cháy lan cao, công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố gặp nhiều khó khăn”.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh sản xuất ảnh 4

Cảnh sát PCCC số 4 phối hợp với cán bộ quản lý địa bàn đề nghị người dân ký cam kết an toàn PCCC tại các hộ dân

Kiên quyết ngăn chặn hỏa hoạn

Trước nguy cơ hỏa hoạn rình rập đối với nhà ở xen lẫn hộ KDSX, nhà kho xen kẽ trong khu dân cư, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch số 209/KH-UBND (ngày 18/9/2017 của UBND thành phố Hà Nội) về việc kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư trên địa.

Ngay sau đó, các đơn vị PCCC địa bàn đã khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của thành phố về nhiệm vụ nói trên. Điển hình, UBND quận Long Biên đã có kế hoạch số 391/KH- UBND quận Long Biên, chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC quận Long Biên khẩn trương phối hợp với đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp KDSX dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn các phường thuộc quận quản lý.

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý, cắt tháo 34/37 lồng sắt của các hộ dân tự ý hàn, lắp. Cảnh sát PCCC số 4 cũng đã lập biên bản 3 hộ vi phạm gồm các phòng 208, 402, 408 tòa B6, đồng thời bàn giao UBND phường Thạch Bàn, quận Long Biên để đôn đốc, xử lý khắc phục.

Đối với những hộ dân đã xử lý, tháo dỡ, CBCS Cảnh sát PCCC số 4 đến ghi nhận biên bản và chụp ảnh để báo cáo UBND quận, tạo thuận lợi cho việc giám sát. Cũng theo đại diện chỉ huy Cảnh sát PCCC số 4, nếu trường hợp nào tái vi phạm sẽ báo cáo cấp trên xử lý nghiêm. Cùng với đó, đơn vị này đã phối hợp phòng chức năng quận Long Biên kiên quyết xử lý, đình chỉ 49 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn không đủ điều kiện.

Lực lượng Cảnh sát PCCC số 4 phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, tuyên truyền đến nhà ở kết hợp nơi KDSX tại phường Việt Hưng, quận Long Biên

Ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết : “Công tác PCCC tại địa bàn thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn bà con; đợt ra quân lần này nhằm mục đích rà soát, thống kê đánh giá đúng thực trạng và mức độ nguy hiểm do cháy, nổ đối với 100% nhà ở, hộ gia đình kết hợp cơ sở KDSX, kho hàng xen kẽ khu dân cư.  Từ đó phân tích đánh giá nguyên nhân và điều kiện dễ dẫn đến cháy nổ, thực trạng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCC cần thiết. Qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức thực hiện công tác PCCC từ cấp cơ sở, ngăn ngừa hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy xảy ra. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, xử lý kịp thời tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh”

Đại tá Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 4 chia sẻ: “Đối tượng kiểm tra gồm nhà ở hộ gia đình, nhà riêng lẻ, nhà liền kề, nhà trong ngõ; nhà ở nhiều hộ gồm chung cư mi ni, nhà ở kết hợp KDSX, kho hàng xen kẽ khu dân cư. Nội dung này được lực lượng PCCC số 4 phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành trong 3 giai đoạn cụ thể gồm: Rà soát, thống kê lập danh sách; kiểm tra đánh giá các điều kiện an toàn về PCCC, tập trung chủ yếu vào giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; bố trí sử dụng mặt bằng, công năng; khoảng cách an toàn PCCC; các điều kiện về thoát nạn như hành lang, ban công, lối lên mái… cách thức bố trí hàng hóa, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt như nơi thờ cúng, đun nấu và trang thiết bị an toàn PCCC.

Lực lượng PCCC số 4 thực tập cứu nạn - cứu hộ, chữa cháy khu nhà tập thể xe lửa phường Ngọc Lâm

Tổ công tác bao gồm đại diện phòng chức năng quận, UBND phường sở tại, CAP sở tại, điện lực, dân phòng, dân phố. Với phương pháp triển khai, kiểm tra, rà soát theo phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng việc” không để sót lọt đối tượng theo kế hoạch.

Hình thức kiểm tra theo cách “cuốn chiếu”, vừa kiểm tra vừa đánh giá tính chất nguy hiểm, đồng thời cán bộ PCCC hướng dẫn, phát tờ rơi, ký cam kết an toàn PCCC với từng hộ gia đình và phát tờ rơi kiến nghị chủ hộ gia đình, người đứng đầu cơ sở thực hiện khắc phục thiếu sót trong công tác PCCC”.