Tích cực tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần tạo thế và lực cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới. Đó cũng chính là mục tiêu của hoạt động gìn giữ hòa bình, một trong những hoạt động quan trọng nhất của Liên hợp quốc (LHQ) mà Việt Nam là thành viên tham gia tích cực.

Cơ chế đặc biệt nhằm chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình

Ngày 29-5 hàng năm, thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các binh lính gìn giữ hòa bình vốn phải hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cùng tôn vinh đóng góp vô giá của lực lượng gìn giữ hòa bình và tưởng nhớ những người đã hy sinh khi phục vụ dưới lá cờ của LHQ.

Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ra đời từ năm 1948. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của LHQ, một cơ chế đặc biệt được LHQ giao cho Hội đồng Bảo an thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của LHQ.

Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam giao lưu với người dân tại trại tị nạn ở Nam Sudan

Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam giao lưu với người dân tại trại tị nạn ở Nam Sudan

Trên cơ sở đặc điểm, tính chất của từng cuộc xung đột, Hội đồng Bảo an sẽ xem xét để ra quyết định triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, quy định chức năng, nhiệm vụ, thời hạn và các giai đoạn (nếu có) cho từng hoạt động gìn giữ hòa bình. Cơ sở pháp lý cơ bản của hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là Hiến chương LHQ. Theo đó, LHQ có thể xem xét áp dụng các biện pháp thích hợp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo Chương VI của Hiến chương (như đàm phán, điều tra, thương lượng, hòa giải...) hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo Chương VII của Hiến chương nhằm khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế.

Hiện nay, xu hướng phổ biến của các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là đa diện, đa chức năng. Việc xác định chức năng cho từng hoạt động gìn giữ hòa bình do LHQ, mà trực tiếp là Hội đồng Bảo an, quyết định tùy theo đặc điểm, tính chất của từng cuộc xung đột, có xem xét đến các khuyến nghị của các cơ quan chức năng của LHQ, cũng như ý kiến của các nước, bên liên quan.

Về bản chất, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ không phải là một đội quân can thiệp mà là lực lượng giúp các bên xung đột gìn giữ và xây dựng hòa bình. Vì vậy, họ chỉ sử dụng vũ lực như biện pháp phòng vệ cuối cùng. Đối với các phái bộ gìn giữ hòa bình thế hệ sau này, bên cạnh được sử dụng vũ lực để phòng vệ, Hội đồng Bảo an còn trao quyền được sử dụng các biện pháp cưỡng chế theo Chương VII của Hiến chương LHQ để thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng cũng chỉ là biện pháp cuối cùng.

Kể từ năm 1948 tới nay, hơn một triệu binh sĩ từ nhiều quốc gia đã tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, hơn 70 phái bộ đã được thành lập nhằm hỗ trợ người dân trên khắp thế giới. Các binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục đích: bảo vệ các cộng đồng yếu thế và hỗ trợ các quốc gia đang trong quá trình chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình. Đã có hơn 3.500 binh sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ.

Sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề cùng cộng đồng quốc tế

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ muộn hơn nhiều so với các nước khác, nhưng Việt Nam được LHQ và các nước đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung, sự chủ động, tích cực trong quá trình tham gia cũng như năng lực chuyên môn đã tạo được niềm tin và uy tín trong lực lượng mũ nồi xanh.

Việt Nam bắt đầu điều quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2014 và kể từ đó, luôn có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực này. Tính tới nay, Việt Nam đã đóng góp 75 binh sĩ (trong đó có 16 binh sĩ nữ) và đứng thứ 62 trong các nước thành viên LHQ về số lượng binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ở hình thức đơn vị, Việt Nam lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) vào tháng 10-2018 và hiện đang triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4. Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa rồi, lần đầu tiên Đoàn tiền trạm Đội Công binh số 1 Việt Nam đã lên đường đến Phái bộ an ninh lâm thời LHQ tại Abyei (UNISFA).

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tạo ra những hiệu ứng tích cực trong lĩnh vực đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng, làm tiền đề để đất nước hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn; góp phần gia tăng vai trò của Việt Nam trong xử lý các vấn đề lớn, phức tạp của thế giới như giải quyết xung đột, gìn giữ môi trường hòa bình chung.

Thông qua hoạt động này, Việt Nam truyền đi bức thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt... Qua đó, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, góp phần tạo thế và lực cho Việt Nam thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Với Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam, với cách tiếp cận mới mẻ, đầy sáng tạo và năng động đối với nhiệm vụ tại địa bàn, lực lượng này đã góp phần tạo thiện cảm và hình ảnh tốt đẹp của những người lính mũ nồi xanh nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.

Những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã tích cực tham gia các hoạt động quân dân kết hợp, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ, gần gũi với người dân bản địa, hỗ trợ họ có cuộc sống tốt đẹp hơn... Nhiều bác sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam tận tụy chăm sóc bệnh nhân, dạy học cho các em nhỏ, may khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tặng người dân, dạy họ cách trồng rau, cây lương thực, tích cực tham gia bảo vệ môi trường... Đây chính là những hình ảnh biết nói, tạo được ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Phó tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, Cục Hoạt động hòa bình LHQ đã đánh giá cao sự tham gia và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho triển khai đại đội công binh. Ông Lacroix bày tỏ sẵn sàng xem xét tích cực các đề xuất của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực của lực lượng gìn giữ hòa bình thông qua đào tạo, bảo đảm trang thiết bị, áp dụng công nghệ mới nhằm sẵn sàng tham gia vào các đơn vị sẽ được LHQ triển khai thời gian tới, nhất là các đơn vị công binh, trực thăng và thông tin.