Việt Nam đóng góp thiết thực và ngày càng hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tư cách là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đóng góp ngày càng hiệu quả và thiết thực vào hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ) - diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới.

Từ cam kết mạnh mẽ đến hành động cụ thể, hiệu quả

Trong buổi làm việc với ông Volker Turk, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chính sách, người phụ trách việc thúc đẩy nhiều đề xuất quan trọng trong Báo cáo “Chương trình nghị sự chung” của LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ nêu rõ, Việt Nam mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ vào ngày 20-9-1977. Ngay từ đầu khi tham gia LHQ, Việt Nam nhất quán quan điểm đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Không chỉ cam kết mạnh mẽ, Việt Nam còn chứng tỏ bằng những hành động cụ thể trong suốt quá trình tham gia cơ chế đa phương này, trước hết là trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Có thể thấy, quá trình thảo luận, thông qua các nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về vấn đề hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người... đều có sự tham gia đóng góp của Việt Nam.

Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực thực hiện các mục tiêu, chương trình hoạt động của LHQ và đạt kết quả tích cực. Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.

Kể từ năm 2014, Việt Nam đã điều quân tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và luôn có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực này. Tính tới nay, Việt Nam đã đóng góp 75 binh sĩ (trong đó có 16 binh sĩ nữ) và đứng thứ 62 trong các nước thành viên LHQ về số lượng binh sĩ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Tháng 10-2018, Việt Nam lần đầu tiên triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Hiện các binh sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại phái bộ của LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam cũng cam kết sẽ sớm cử quân tham gia làm nhiệm vụ trong Lực lượng an ninh lâm thời của LHQ tại Abyei, khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, dù còn khó khăn nhiều mặt, Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những vật tư y tế cần thiết, khan hiếm để nhân dân các nước trên thế giới phòng, chống dịch. Điều đó đã nhận được sự cảm kích của nhiều nước trên thế giới. 77 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và trung tâm dữ liệu phi Chính phủ nước ngoài, liên hiệp hữu nghị đã gửi thư chung bày tỏ sự biết ơn, đánh giá và ủng hộ các biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả của Chính phủ Việt Nam” .

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ. Chúng ta đã trúng cử với số phiếu cao vào Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới…

Sẵn sàng tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới

Quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Nó cũng giúp duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thuận lợi cho phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước, cả song phương và đa phương. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn. Đồng thời, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tư duy đổi mới, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới.

Nhìn nhận về công tác đối ngoại trong thời gian tới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Báo cáo cũng xác định rõ nhiệm vụ: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, LHQ, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”.

Trước đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có quan hệ với LHQ.

Từ các định hướng lớn trên, trong giai đoạn sắp tới khi Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hơn, hoạt động đối ngoại đa phương sẽ phải chuyển mạnh từ “tham gia” sang “góp phần định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”. Với LHQ, các trọng tâm sẽ là đảm nhận vai trò rộng lớn hơn (sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt...), tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới; hoàn tất các cam kết quan trọng như Chương trình nghị sự đến 2030 của LHQ về phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Trong 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ có ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hợp tác Việt Nam - LHQ đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và dấu ấn đóng góp của Việt Nam tại LHQ. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong vai trò tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu.