Thủy điện Sơn La vượt dự toán 14.000 tỷ đồng

(ANTĐ) - Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát về một số dự án, công trình quan trọng quốc gia năm 2010. Theo tài liệu này, so với dự toán ban đầu trình Quốc hội (Kỳ họp thứ 2, khóa XI, năm 2002), tổng dự toán của dự án Thủy điện Sơn La đã tăng khoảng 14.000 tỷ đồng.

Thủy điện Sơn La vượt dự toán 14.000 tỷ đồng

(ANTĐ) - Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát về một số dự án, công trình quan trọng quốc gia năm 2010. Theo tài liệu này, so với dự toán ban đầu trình Quốc hội (Kỳ họp thứ 2, khóa XI, năm 2002), tổng dự toán của dự án Thủy điện Sơn La đã tăng khoảng 14.000 tỷ đồng.

Xây dựng nhà ở các khu tái định cư Thủy điện Sơn La

Xây dựng nhà ở các khu tái định cư Thủy điện Sơn La

Sẽ phát điện trong 2 tháng tới

Theo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, tổng mức đầu tư hiệu chỉnh của dự án Thủy điện Sơn La là 58.483,412 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La là 34.900,141 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong quá trình xây dựng là 8.208 tỷ đồng). Dự án thành phần di dân tái định cư là 20.293,821 tỷ đồng, dự án thành phần giao thông tránh ngập: 3.289,450 tỷ đồng.

Từ phân tích các con số trên, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trình Chính phủ về phương án tăng vốn đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đáng lưu ý, báo cáo giám sát đưa ra kiến nghị Kiểm toán Nhà nước thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước.

Đánh giá toàn bộ công trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, công trình đập và Nhà máy thủy điện Sơn La đang thực hiện đúng tiến độ, bám sát mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25-12-2010 và nỗ lực hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2012. Nhận định này nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan giám sát. Về một số vết nứt tại đập bê tông trong quá trình thi công, cơ quan giám sát cho biết, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có kết luận, không ảnh hưởng đến sự an toàn đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích hồ chứa nước. Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh khẳng định: “Công tác quan trắc các vết nứt được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc xử lý các vết nứt đang tiếp tục thực hiện tại block 26 và hành lang 138m. Các kết quả kiểm tra đến nay không phát hiện thêm vết nứt mới...”

Về công tác di dân tái định cư, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cho biết, hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ tích nước theo yêu cầu. Kết quả giám sát cũng ghi nhận, về cơ bản, đã chuyển xong khoảng 20.260 hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ bị ngập trước. Người dân đã có điều kiện ở khang trang hơn. Tuy nhiên, việc giao đất sản xuất còn chậm, người dân chưa có phương hướng sản xuất hiệu quả để có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài.

Đường Hồ Chí Minh liên tục lùi tiến độ

Cuối năm 2010: Khởi công Thủy điện Lai Châu

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Ban quản lý dự án Thủy điện Lai Châu đang đôn đốc các nhà thầu đảm bảo tiến độ các công trình hạ tầng phục vụ dự án như đường giao thông nội bộ, các cây cầu Nậm Ty, Bản Hoa, Nậm Đoong... đường dây 110KV Tuần Giáo - Thuỷ điện Lai Châu, khu nhà ở... đảm bảo yêu cầu hoàn thành đúng kế hoạch. Bộ Xây dựng đánh giá, dự án xây dựng công trình thuỷ điện Lai Châu sẽ đảm bảo mục tiêu khởi công vào tháng 12-2010.

Liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, Ủy ban KH-CN&MT cho biết, giai đoạn II của dự án này (từ 2007 - 2010) cần khoảng 32.169 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được 5.486 tỷ đồng, còn thiếu 26.683 tỷ đồng (82,9%). Trong khi đó, Bộ GT-VT chưa làm rõ khả năng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cũng như khả năng huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác đối với các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Cơ quan giám sát nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc giải quyết nguồn vốn và GPMB cho dự án, nếu không khó có thể hoàn thành toàn tuyến vào năm 2013, thậm chí năm 2015.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, Chính phủ cho biết, đường Hồ Chí Minh dự kiến đến năm 2013 mới có thể nối thông toàn tuyến; chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu. Mới đây, Bộ GT-VT tiếp tục đề nghị giãn tiến độ hoàn thành đến năm 2015. Từ thực tế này, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 8 về khả năng phải giãn tiến độ thực hiện dự án giai đoạn II đến năm 2015.

Dự án đường Hồ Chí Minh hiện là tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được đầu tư xây dựng theo 3 giai đoạn. Mặc dù, chưa thông toàn tuyến nhưng dự án đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần giảm tải giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đặc biệt trong mùa mưa lũ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, kết nối các trung tâm dân cư và đô thị...

Chính Trung