Thụy Điển - "nhà xuất khẩu" chiến binh IS lớn nhất châu Âu

ANTD.VN -   Thụy Điển vốn được coi là điểm đến an toàn đối với người di cư. Tuy nhiên, nhiều người trẻ trong các gia đình tị nạn đang quay lưng lại với đất nước này khi hơn 300 người đã đến Syria và Iraq “đầu quân” cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tính bình quân đầu người, Thụy Điển là một trong những “nhà xuất khẩu” chiến binh thánh chiến lớn nhất châu Âu.

Thụy Điển - "nhà xuất khẩu" chiến binh IS lớn nhất châu Âu ảnh 1

Nhiều người thuộc thế hệ nhập cư thứ hai cảm thấy bị cô lập ở Thụy Điển

Những người trẻ dễ bị tổn thương

Một phụ nữ trẻ ở thành phố Gothenburg vừa trở về từ Raqqa, Syria kể lại những gì mà cô đã phải trải qua. Chồng cô đã chết khi chiến đấu cho IS. “Mọi thứ thật khủng khiếp. Tiếng kêu khóc của phụ nữ Yazidi bị cưỡng hiếp, người bị đánh đập, tra tấn, tiếng súng đạn… tất cả là một phần cuộc sống của những cô dâu thánh chiến như tôi”, cô gái nói.

Sau khi chồng chết, cô gái đã nhận thấy những điều “rất xa lạ” trong ý nghĩ của cô về tôn giáo. Với sự giúp đỡ của một chiến binh IS, cô đã cố gắng trốn chạy từ Syria, qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ và về Thụy Điển. Khi được hỏi vì sao tham gia IS, cô gái nói rằng, “khi tham gia thánh chiến, mọi người không nghĩ về cuộc sống trần tục, tất cả chỉ suy nghĩ làm thế nào để được lên thiên đàng nhanh nhất”.

Gothenburg đang là “điểm nóng” về tuyển mộ chiến binh thánh chiến ở Thụy Điển. Với dân số chỉ hơn nửa triệu người, thành phố cảng này đã có ít nhất 100 người tham gia IS. Về mặt dân cư, Gothenburg là một trong những thành phố đa sắc tộc của Thụy Điển. 1/3 dân số ở đây là người di cư, chủ yếu là người Hồi giáo. Trong số đó, khá nhiều người mới đến đây sinh sống, nằm trong tổng số 160.000 người xin tị nạn ở Thụy Điển vào năm ngoái.

Cộng đồng người di cư là bộ phận “dễ bị tổn thương” ở Thụy Điển. 2/3 số trẻ em bỏ học khi chưa đến 15 tuổi và tỷ lệ thất nghiệp là 11% - cao so với mặt bằng chung của Thụy Điển. Chính vì vậy, người trẻ dễ bị tổn thương là mục tiêu mà các phần tử cực đoan luôn hướng tới.

Một thanh niên tên là Imran nói rằng, IS tìm mọi cách để lôi kéo người trẻ. “Giống như một người cha, người anh nói chuyện với con, em mình, họ khuyên chúng tôi không sử dụng ma túy hay bạo lực. Hãy chiến đấu cho Thánh Allah, chiến đấu cho tự do của người Hồi giáo. Họ nói rằng, chúng tôi không nhận được gì từ Thụy Điển, nhiều người Hồi giáo bị thiệt mạng và bị hãm hiếp”, Imran nói.

“Nồi áp suất” của sự bất mãn

Imran nói rằng, thực tế cho thấy, có những mâu thuẫn trong thế hệ nhập cư thứ hai ”không sắc tộc ở Thụy Điển”. Cha mẹ họ chạy trốn từ quê hương bị chiến tranh tàn phá đến Thụy Điển tìm kiếm sự an toàn. Họ biết ơn Thụy Điển đã che chở, đảm bảo an toàn cho họ và gia đình. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, họ vẫn cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhiều người trẻ nói rằng, họ cảm thấy bị cô lập và không phải là một phần của Thụy Điển.

Vấn đề này trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện làn sóng người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria và Iraq. Chỉ riêng năm ngoái, tính bình quân đầu người, Thụy Điển là quốc gia chấp nhận người tị nạn nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Ulf Bostrom, cựu nhân viên cảnh sát Gothenburg đặt câu hỏi, tại sao một người lớn lên ở Gothenburg lại muốn rời bỏ một trong những quốc gia hòa bình và tiến bộ nhất thế giới để tham gia nhóm cực đoan bạo lực ở Trung Đông? Rất nhiều người nói rằng, họ không cảm thấy mình là người Thụy Điển. Có lẽ, bài toán tích hợp và thử nghiệm đa văn hóa của Thụy Điển đã thất bại.

Theo ông Ulf Bostrom, một nguyên nhân khác dẫn đến vấn đề đáng lo ngại ở Thụy Điển hiện nay là việc cắt giảm nhân lực trong lực lượng cảnh sát. “Rất nhiều nhân viên cảnh sát đã bị cắt giảm biên chế. Bạn thử nghĩ xem, tình hình an ninh trật tự sẽ thế nào nếu lực lượng cảnh sát không đủ mạnh”, ông Ulf Bostrom nói. Ông Ulf Bostrom cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã nhận thức được những vấn đề đang phải đối mặt cũng như đòi hỏi cấp bách của việc cải thiện tình hình an ninh ở đất nước này.