Thượng tướng Vũ Lăng: Đánh trận giỏi, nghiên cứu giỏi (1)

Đỗ Đức Liêm, người trai Hà Nội sinh ra trong một gia đình lao động ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, đã đi suốt gần nửa thế kỷ từ những ngày trong đoàn quân Nam tiến.

Trở lại Hà Nội để tham gia những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, qua nhiều chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ, Tây Nguyên (1975), chiến dịch Hồ Chí Minh, sau này, ông trở thành Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt hơn 10 năm, là người thày đào tạo lớp lớp kế cận cán bộ cho quân đội.

Đáp lời sông núi
Ngày 23/9/1945, Nam bộ kháng chiến, bao thanh niên trai tráng lên đường vì: Tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm đất nước Việt Nam Ta muốn băng mình tới phương Nam...

 Bài hát như giục giã lên đường và đúng vậy, anh Liêm là một chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến. Khi anh 15 tuổi (1936), qua người cậu Mai Lập Đôn, đã hướng dẫn người cháu với lời dặn sẽ có thay đổi hiện tình.

Khi anh tròn 20 tuổi có cảm tình với Liên Xô khi đất nước này đứng trước sự xâm lược của phát xít Đức, nên dễ hiểu khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công thì tháng 11/1945, anh Nam tiến.

Trên đường anh qua Ninh Hòa, Huế... anh tham gia chiến đấu và năm 1946 trở lại Hà Nội với nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ phủ, nơi Hồ Chủ tịch làm việc.

Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, lớp người như Vũ Lăng cảm nhận: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên”... để rồi “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong đội ngũ Liên khu 1 đến tận giữa tháng 2/1947.

Qua 60 ngày đêm cảm tử, Vũ Lăng lúc này là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103, đã trực tiếp chỉ huy một trung đội đánh vào nhà Sô-va làm hơn 40 địch chết, bị thương, được Tổng chỉ huy điện khen.

Trong Thu Đông 1947, Tiểu đoàn 103 đã tham chiến chặn địch rất hiệu quả: đánh binh đoàn Bô-phrê 7 trận trong 12 ngày trời, dưới hình thức vận động tiêu diệt.

Đông Xuân 1948-1949, Vũ Lăng chỉ huy Tiểu đoàn 54, đánh thắng các trận Đại Bạc, Bồng Lai... những ngày các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài đi cùng chiến sĩ.

Sau những ngày ở Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, một thành viên của Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong, ông được điều sang chỉ huy Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 sau này.

Trung đoàn 98 lúc ông sang chỉ huy, vừa chịu tổn thất ở Bắc Ninh. Ông cùng cán bộ, chiến sĩ củng cố đơn vị, đánh thắng giòn giã ở Bản Mo trong chiến dịch Tây Bắc.

Khi rời Trung đoàn Thủ đô yêu dấu, ông bồi hồi: “Ngày ấy chúng ta cười trong đêm lạnh, ôm nhau ngủ giữa hai chặng đường hành quân... Con đường cũ còn in vết chân chúng ta mùa hạ năm ngoái, ít ngày nữa khi đơn vị quay trở về, sẽ vắng hẳn bao người không còn in lại dấu chân...”.

Thượng tướng Vũ Lăng
Thượng tướng Vũ Lăng

Đánh C1 ở Điện Biên Phủ

 Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 ở phía Đông của tập đoàn cứ điểm. Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đánh cứ điểm C1. Cuộc chiến đấu giành giật chiếm giữ đồi C1 diễn ra trong 31 ngày đêm ác liệt trên từng tấc đất. Trung đoàn 98 có một đại đội súng cối và DKZ yểm trợ và... 30 trái pháo.

Trận đồi C1 từ 30/3 đến 1/5/1954 là trận tiến công, đối phương lúc đầu có 1 đại đội và 1 trung đội. 18h ngày 30/3, trung đoàn 98 tiến công, sau 45 phút chiếm được cứ điểm, diệt toàn bộ quân địch.

Sáng 1/4 , Pháp đưa 1 tiểu đoàn tới phản kích, kết hợp dùng pháo bắn ác liệt gây thương vong cho ta. Hai bên giành giật nhau từng vị trí đến 17h cùng ngày, địch bị đẩy lùi.

Ngày 9/4, quân Pháp được tăng cường 1 tiểu đoàn dù tiếp tục phản kích và sau 4 ngày đêm chiến đấu, chiếm được phía Tây. Vũ Lăng cùng tập thể Ban chỉ huy và toàn thể cán bộ chiến sĩ tổ chức phòng ngực giữ vững nửa phía Đông, đến đêm 1/5 chuyển sang phản công giành lại toàn bộ C1. Thắng lợi này tạo điều kiện cho lực lượng trên toàn bộ chiến dịch, khép chặt vòng vây, uy hiếp Mường Thanh và chuyển sang tổng công kích giành thắng lợi.

Có được chiến thắng ở cứ điểm C1, ông đã tích lũy kinh nghiệm và giàu sáng tạo từ nhiều trận trước. Những ngày chỉ huy trung đoàn 98 sang Thượng Lào, Luông Pha-băng, Sầm Nưa.

Ở Thượng Lào, ta bám sát địch mà đánh nên bom na-pan của địch ít tác dụng. (Bám sát địch ra đời từ ngay trong chống Pháp). Và ở C1 đã phát huy hiệu quả bởi pháo ta có ít đạn trong khi Pháp có nhiều máy bay, pháo, xe tăng.

Chiến thắng C1 là bước trưởng thành vượt bậc của Trung đoàn 98 (được Tư lệnh Mặt trận tặng Huân chương Quân công hạng 3) còn Vũ Lăng nhanh chóng tổng kết bắn cối (12 khẩu của toàn trung đoàn) để phá hàng rào, lô cốt để trên phổ biến kinh nghiệm cho đơn vị bạn.

Người Cục trưởng tin cậy

 10 năm 1954-1964, ông là Tham mưu trưởng sư đoàn 316, Cục phó Cục Khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu.

Tháng 3/1965, ông trở thành Phó Tư lệnh Quân khu 4, Cục phó Cụ tác chiến Bộ Tổng tham mưu, kiêm Phó tư lệnh Mặt trận Khe Sanh.

Tháng 5/1969, ông làm Viện phó Viện khoa học quân sự Bộ Quốc phòng, 1971 là Phó Tư lệnh Mặt trận Đường 9, Cục trưởng Cục tác chiến.

Suốt 20 năm từ 1954-1974, trước khi vào Tây Nguyên để chuẩn bị cho 1975, ông trải qua nhiều nhiệm vụ đã nêu ở trên, trong đó có thời gian học ở Học viện quân sự mang tên nguyên soái Liên Xô Vô-rô-si-lớp.

Giai đoạn 1972-1974 làm Cục trưởng Cục tác chiến, Cục 1 của Bộ Tổng tham mưu, ông đã thể hiện nhân cách, tài năng xuất sắc.

Đây là nơi thường xuyên phải nắm vững tình hình các mặt, dự thảo các vấn đề chiến lược, chiến dịch-chiến lược, truyền đạt và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của toàn quân..., xây dựng hậu phương chiến lược...

Cấp trên nhận xét Vũ Lăng có trình độ chiến lược, về công tác tham mưu xuất sắc, có nhiều sáng tạo. Đặc điểm của ông còn là thẳng thắn trình bày ý kiến của mình, chưa bao giờ ông phát biểu dựa theo ý kiến người khác hoặc dựa theo ý kiến của trên. Ông còn gợi ý để cấp dưới bàn bạc, làm sáng tỏ vấn đề.

Các vị lãnh đạo cao nhất đều thấy ông là Cục trưởng nhiệt tâm, có kinh nghiệm. Khi cấp dưới có khó khăn, ông sẵn lòng nhận khó khăn đó. Và điều trân trọng nữa là ông rất chú ý bồi dưỡng cấp dưới để họ có điều kiện học tập, phát triển.

Sau này khi ra chiến trường, làm Tư lệnh Quân đoàn, ông vẫn sẵn sàng chia sẻ với cán bộ Cục tác chiến và các cơ quan Bộ Tổng tham mưu về cách đánh địch và chỉ huy tác chiến.

Những năm 1969-1971, ông làm Viện phó Viện Khoa học quân sự (Tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng) đã cùng các vị tướng: Vũ Yên, Hồng Sơn, Nam Long, Hoàng Cầm, Nguyễn Hòa... tổng kết hàng loạt tài liệu có giá trị để huấn luyện bộ đội và cung cấp cho tiền tuyến lớn.

Từ 1960-1964, ông ở Cục Khoa học quân sự, đây là thời kỳ quân đội ta tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu học thuật quân sự và diễn tập có thực binh, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và mọi yêu cầu khắc nghiệt của nhiều loại hình chiến tranh. Oong đã giữ vai trò chủ trì đề xuất nghiên cứu, thảo luận, chuẩn bị diễn tập... sau này góp phần vận dụng vào đánh địch trên chiến trường.

Trung tướng Đỗ Trình: Anh có tinh thần trách nhiệm chính trị rất cao đối với công tác... biểu lộ nổi bật trong thời gian làm Cục trưởng Cục tác chiến. Nắm địch, nắm ta trên cả hai miền đất nước, đánh giá tình hình trước mắt, dự kiến khả năng phát triển sắp tới của chiến tranh, làm trung tâm hiệp đồng các cơ quan, chuẩn bị các phương án chỉ đạo chiến lược cho Bộ thống soái, giúp Bộ điều hành thực hiện các phương án đó. Đó là những công việc rất nặng nề làm căng thẳng đầu óc ngày cũng như đêm của người Cục trưởng tác chiến...

Anh Vũ Lăng cùng các cán bộ khác trong Cục tác chiến đã góp phần rất quan trọng trong đảm bảo và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong lãnh đạo kháng chiến... Còn mãi sáng ngời tấm gương của anh.