Thường Tín: Tự ý phá trạch đê ngay sát UBND xã

ANTD.VN - Luật Đê điều đã có những quy định rõ về cấm các hành vi xâm phạm như tự ý phá dỡ, làm sai hỏng kết cấu của đê... Tuy nhiên, tại xã Hồng Vân, huyện Thường tín, TP Hà Nội, hành vi xâm phạm đê điều vẫn ngang nhiên diễn ra mà chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý...

Tự ý phá 8m trạch đê

 Sự việc diễn ra tại khu Thanh Lan, thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Theo người dân địa phương kể lại, sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, một số hộ gia đình nơi đây có nguyện vọng dồn ô thửa nhỏ sát vào đất thổ cư của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện việc một số hộ chuyển nhượng đất cho người khác rồi xây dựng công trình mà không có phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông và hành lang đê điều. “Tôi thấy họ phá đê được hơn 1 tháng nay rồi. Bức xúc lắm mà chúng tôi là người dân, chẳng biết kêu ai”, bà Nguyễn Thị Lan ở xã Hồng Vân cho biết.

Tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, ngày 7-3, CAH Thường Tin đã phát hiện, bắt quả tang một số đối tượng có hành vi tự ý đổ cát sai quy định và phá dỡ trạch đê tại khu Thanh Lan, xã Hồng Vân.

Ngay sau đó, lực lượng CAH Thường Tín lập biên bản đình chỉ, yêu cầu những người liên quan về cơ quan Công an để điều tra làm rõ hành vi.

Các đối tượng san lấp, ủi đất tại khu vực đê xã Hồng Vân

 Được biết, khu đất rộng khoảng hơn 2000m2 này được Đỗ Như Thanh, 45 tuổi, trú ở khu đô thị Việt Hưng, Long Biên và Đan Minh Quân, 40 tuổi, ở Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội thu mua từ nhiều người. Trong số đất trên, có hơn 1000m2 là đất nông nghiệp và phần còn lại là đất ở. Vì vậy việc các đối tượng tự ý đổ cát vào phần đất nông nghiệp là sai quy định. Ngoài ra các đối tượng còn tự ý phá dỡ một đoạn trạch đê dài khoảng 8m để phục vụ cho việc đi lại san lấp. Điều này càng cho thấy sự coi thường phát luật của các đối tượng.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Chiện, Đội phó Đội ĐTTH – CAH Thường Tín, đây là hành vi phá vỡ hành lang đê sông Hồng nghiêm trọng. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, đồng chí Trưởng CAH Thường Tín và Ban chỉ huy CAH đã chỉ đạo đội nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc giải quyết vụ việc. “Chúng tôi đã triển khai CBCS  xuống hiện trường để điều tra, thu thập tài liệu, chứng cớ để xử lý vụ việc nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Đại úy Nguyễn Văn Chiện cho biết.

Công tác quản lý của chính quyền lỏng lẻo?

Điều đáng nói là, việc các đối tượng có hành vi phá vỡ hành lang đê sông Hồng đã diễn ra trong thời gian dài, ngay gần trụ sở UBND xã Hồng Vân nhưng không được UBND xã phát hiện, ngăn chặn. Mặt khác, dù đã nhận được kiến nghị của Hạt quản lý đê huyện Thường Tín về việc xử phạt hành vi phá hoại đê của Đan Minh Quân, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, UBND xã Hồng Vân vẫn chưa xử lý, không tiến hành kiểm tra, ngăn chặn và để đối tượng tiếp tục có hành vi phá đê, san lấp cát vào khu đất nông nghiệp.

Khu vực đê bị phá nghiêm trọng

Liên quan đến vấn đề này, chính quyền xã Hồng Vân chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao hàng nghìn mét vuông đê bị san lấp như vậy mà chính quyền xã vẫn chưa vào cuộc, ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín khẳng định, xã đã nắm được việc san lấp, phá đê nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm vì còn nhiều vướng mắc và “vì chờ công văn phúc đáp từ các cơ quan liên quan”?!

“Hộ gia đình này phá cơ đê từ giữa tháng 1, đến nay là lần thứ 2 nhưng có điều phức tạp là hộ gia đình này chuyển nhượng mảnh đất cho chủ khác và tổng diện tích đất trên là một nửa đất nông nghiệp, một nửa đất ở”, ông Mai Văn Ngần cho biết. Vị Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cũng khẳng định, việc san lấp này là tốt nhưng “chỉ là hộ này làm hơi sớm, bởi chưa có sự chấp thuận chính thức từ chính quyền địa phương”.

“Đây là sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Từ sự quản lý lỏng lẻo này đã khiến các hộ dân đã tự ý đổ đất khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng thể hiện cho sự coi thường pháp luật của các đối tượng”, Trung tá Đào Thanh Bình, Phó trưởng CAH Thường Tín khẳng định.

 Hệ thống đê điều có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho vùng tránh khỏi lũ lụt, đặc biệt vào mùa mưa bão, đồng thời giúp ích cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hành vi vi phạm của các đối tượng và sự vào cuộc chậm trễ, thậm chí thiếu tinh thần trách nhiệm của UBND xã Hồng Vân đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân. “Nếu làm thế này là vi phạm vào chỉ giới của đê. Đất của nhà nước giao cho địa phương quản lý để phục vụ cho đê điều. Nếu UBND xã hay bất cứ cơ quan nào bàn giao cho cá nhân để sử dụng đất sai mục đích, theo tôi, đó là vi phạm Luật Đê điều của nhà nước”, ông Giang Xuân Móng, sống gần khu vực đê bị phá dỡ bày tỏ bức xúc.

Hiện CAH Thường Tín đang phối hợp cùng Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thường Tín và các ban ngành tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.