Thương mại và học tập

(ANTĐ) - Trong 10 ngày, đoàn nhà báo Việt Nam được phía bạn bố trí tiếp xúc với rất nhiều quan chức của các ngành thương mại, du lịch, giáo dục. Để chứng minh cho những câu hỏi của nhà báo Việt Nam, bạn cũng bố trí đi thực tế ở Bộ Công thương, thăm bến cảng, hãng sản xuất ô tô Von Wagon, khu du lịch sinh thái mênh mông với vườn quốc gia ở thành phố Sun city và tổ hợp 4 khách sạn tại đây với cơ man sân tennis, bể bơi, khu vui chơi dưới nước (có sóng biển nhân tạo, dù bay v.v...) và một trường dạy tiếng Anh.

Bất ngờ Nam Phi (Kỳ II)

Thương mại và học tập

(ANTĐ) - Trong 10 ngày, đoàn nhà báo Việt Nam được phía bạn bố trí tiếp xúc với rất nhiều quan chức của các ngành thương mại, du lịch, giáo dục. Để chứng minh cho những câu hỏi của nhà báo Việt Nam, bạn cũng bố trí đi thực tế ở Bộ Công thương, thăm bến cảng, hãng sản xuất ô tô Von Wagon, khu du lịch sinh thái mênh mông với vườn quốc gia ở thành phố Sun city và tổ hợp 4 khách sạn tại đây với cơ man sân tennis, bể bơi, khu vui chơi dưới nước (có sóng biển nhân tạo, dù bay v.v...) và một trường dạy tiếng Anh.

>>> Kỳ 1: Quốc gia cầu vồng

Đại học Pretoria-một trong 18 trường đại học lớn nhất Nam Phi
Đại học Pretoria-một trong 18 trường đại học lớn nhất Nam Phi

Bộ Công thương Nam Phi trả lời phỏng vấn PV Báo An ninh Thủ đô.

Ngày làm việc thứ 3 tại trụ sở Bộ Công thương Nam Phi, phía bạn bố tri một Cục trưởng, 1 chuyên viên về tổng hợp số liệu, 1 chuyên viên theo dõi khu chế xuất và phát triển (Xin gọi chung là chuyên viên Bộ Công thương CVBCT)

PVANTĐ: Khái quát bức tranh kinh tế Nam Phi?

CVBCT: Tăng trưởng chung của đất nước từ 1995-2006 liên tục ở mức xấp xỉ 5%. Chi tiêu và thu nhập của công chúng tăng mạnh từ năm 2003.

Từ năm 1994, Nam Phi chú trọng khuyến khích đầu tư trực tiếp và dài hạn. Đặc biệt chú ý các bạn hàng truyền thống là các nước lân cận phía Nam Châu Phi. Chúng tôi luôn làm mọi cách để các nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi, tìm được cảm hứng và sự tin cậy ở mỗi đồng vốn bỏ ra.

Nam Phi có thế mạnh về khai thác khoáng, chế tác vàng, kim cương, hoá chất, viễn thông, ngân hàng...

PVANTĐ: Việt Nam và Nam Phi đã có quan hệ ngoại giao khá tích cực và tin cậy giữa các quan chức cấp cao - quan hệ kinh tế có vẻ còn khiêm tốn?

CVBCT: Năm 2004 Việt Nam và Nam Phi đã ký hiệp định thương mại song phương. Từ diễn đàn hợp tác song phương đã tìm ra cơ hội và lĩnh vực đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, xuất nhập khẩu những mặt hàng thế mạnh của mỗi nước

Nam Phi nhắm tới việc xuất sang Việt Nam thiết bị khai thác mỏ, dầu mỏ, thiết bị nông nghiệp, đồng hồ đo điện, nước, công nghệ viễn thông, công nghệ lọc nước, sản phẩm ống thép, đồ trang sức v.v…

Ngược lại Việt Nam có thể xuất sang Nam Phi gạo, cà phê, sản phẩm gỗ chế biến, hoa quả nhiệt đới, cao su v.v… Năm 2006 Uỷ ban Thương mại Nam Phi đã có cuộc khảo sát thị trường Việt Nam.

PVANTĐ: Các bạn có chính sách gì về nguồn nhân lực?

CVBCT: Phải nói thật, hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi khá cao 40%. Nguyên nhân chính là do một bộ phận dân chúng không đáp ứng được yêu cầu trình độ công nghệ cao.

 Thêm nữa, Nam Phi đang phải đối mặt với nạn nhập cư bất hợp pháp từ một số nước lân cận tràn vào, mỗi năm có đến vài trăm nghìn người. Nhưng Nam Phi cần đội ngũ công nhân tay nghề cao, được đào tạo tốt. Chính sách nhập cư của Nam Phi khá thông thoáng với đối tượng này.

Hệ thống giáo dục  Nam Phi  ở tốp đầu thế giới.

Sinh viên các nước trên thế giới sống và học tập tại Nam Phi
Sinh viên các nước trên thế giới sống và học tập tại Nam Phi

Để minh chứng cho nền giáo dục của đất nước này. Ngày đầu tiên trên ô tô từ sân bay Johanesburg về Prêtôria, lái xe chỉ cho chúng tôi một ngôi nhà có kiến trúc độc đáo sừng sững cửa ngõ vào Thủ đô. Đó là Trường Đại học Prêtôria.

Toà nhà nằm trên đỉnh đồi cao với 3 khối nhà lớn hướng ra 3 phía. ấn tượng nhất là một dãy nhà cực lớn  chỉ nằm một nửa trên nền đồi, nửa còn lại được đứng vững chãi trên các trục bê tông, đưa toà nhà lừng lững như con tàu biển nhô ra phía đường cao tốc.

Chúng tôi còn sửng sốt hơn khi biết rằng, đây chỉ là khu nghiên cứu, hội thảo và làm việc của Ban Giám đốc và các khoa phòng –240 nghìn sinh viên nhà trường ở khắp nơi trên thế giới, học từ xa qua mạng.

Trường Đại học Nam Phi ở giữa lòng Thủ đô lại yên tĩnh êm đềm với khuôn viên, khu ký túc xá và điều kiện học tập, thể thao cho 55 nghìn sinh viên. Tôi đã may mắn được đứng trước toà nhà chính Đại học Lômônôxôp, trên đồi Lênin ở Matxcơva nước Nga, được thăm trường Đại học Wasinhtơn nước Mỹ và bây giờ là Đại học Nam Phi, danh tiếng thì chưa nói, nhưng về quy mô và điều kiện cho sinh viên là ngang ngửa.

Ở Nam Phi có 12 trường đại học và 6 trường đại học công nghệ trải đều trên 9 vùng hành chính. Giáo dục ở Nam Phi có nhiều điểm mạnh bao gồm giáo dục có chất lượng, phương tiện nghiên cứu hiện đại, bằng cấp được quốc tế công nhận. Môi trường giáo dục còn dựa trên cơ sở những cơ hội cho sinh viên được nghiên cứu, chi phí thấp, giao lưu quốc tế sôi động, một nền văn hoá đa sắc tộc bổ trợ kiến thức tổng hợp cho mỗi sinh viên, thế mạnh ấy không phải quốc gia có nền giáo dục mạnh nào cũng hội đủ.

Đoàn Nhà báo Việt Nam được phía bạn đưa đến thăm một trường dạy ngoại ngữ ở Thành  phố Cape Town xin lưu ý, hiện nay ở Nam Phi vẫn song song hai hệ thống nhà trường công lập và tư thục, số trường công đang được sáp nhập, giảm bớt chi phí của nhà nước.

Trường tư thục Cape Studies Language School là một ví dụ. Ông Daniel Stemet hiệu trưởng tiếp đoàn nhà báo Việt Nam tại phòng làm việc. Quần bò, áo sơ mi ca rô, hút thuốc lá và lấy bia mời khách. Ông hào hứng chỉ vào lá cờ đỏ sao vàng trong vô số lá cờ của các quốc gia khác mà ông sưu tập qua các chuyến đi tiếp thị đang được bầy trang trọng ở tủ kính. Ông chỉ tay vào đầu và nói: "Sinh viên Việt Nam cực kỳ thông minh. Họ làm tôi ngạc nhiên và thán phục".

 Xin giấy phép học tập tại Nam Phi

Đăng ký với Sứ quán Nam Phi tại Hà Nội

Có thể xem thông tin tại www.gov.za và  www.ieasa.nu.ac.za

Công ty Đức Anh www.ducanhduhoc.com

Một loạt các điều kiện ăn ở, học phí của các “cua” tiếng Anh từ ngắn đến dài hạn được ông hiệu trưởng giới thiệu vắn tắt ví dụ: Lớp đông nhất chỉ 8 học sinh, 2 học sinh 1 căn hộ đầy đủ tiện nghi, tự nấu ăn để chi phí giảm.

Bằng cấp tương đương Anh quốc v.v… Ông cho biết thêm khi đến Việt Nam, ông đã hợp tác với Công ty tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh để làm tuyển sinh.

Có lẽ vì quá xa xôi và ít thông tin nên học sinh Việt Nam ở Nam Phi còn chưa nhiều. Đây cũng là điều ông hiệu trưởng gửi gắm đoàn nhà báo Việt Nam: Hãy đến học tập ở Nam Phi bạn sẽ hài lòng về nhiều điều.

Kỳ sau: Du lịch và thể thao.
Bóng Động lực đã đến Nam Phi

Tuệ Vinh