Thương binh Nguyễn Xuân Tùng ‘tàn nhưng không phế’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từng xông pha trong lửa đạn, cống hiến tuổi trẻ, xương máu của mình cho độc lập tự do của dân tộc, khi trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Nguyễn Xuân Tùng lại tiếp tục nỗ lực trên "mặt trận" kinh tế - xã hội, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Trong ngõ phố Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội có một căn nhà 4 tầng rộng 140m2, với 5 ki ốt cho thuê, ít ai nghĩ rằng đó là cơ ngơi của một thương binh hạng ¼, thương tật 81%, suốt đời phải gắn bó với chiếc xe lăn. Nhưng đó là tải sản do hai bàn tay ông Nguyễn Xuân Tùng làm nên.

Ông Nguyễn Xuân Tùng

Ông Nguyễn Xuân Tùng

Sinh năm 1956 trong một gia đình có 3 anh em tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Do gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ, với trách nhiệm con trai trưởng, ông Tùng đã phải lăn lộn làm nhiều việc để phụ giúp gia đình.

Năm 1977, nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Năm 1979, trong một trận đánh khốc liệt, ông bị một mảnh đạn găm vào cột sống, liệt hai chân, được đưa về Bệnh viện 175 TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 20 phơi phới, tự dưng thành một người tàn phế, gắn bó với chiếc xe lăn suốt đời, ông Tùng không tránh khỏi cú sốc tâm lý là làm gì để sống quãng đời dằng dặc phía trước?

“Trong một lần đọc được trên tờ báo Phụ nữ nói về chuyện các thương binh nặng ở Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn lập gia đình, có cuộc sống hạnh phúc, tôi vui sướng đi khoe với tất cả các thương binh nặng lúc đó đang nằm tại Bệnh viện 175. Niềm tin sẽ có gia đình, có vợ con như bao người bình thường khác đã vực dậy tinh thần tôi”, ông Tùng chia sẻ.

Sau đó ông chuyển ra Bệnh viện 105 Sơn Tây, trung tâm điều trị thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 1983 ông xuất ngũ trở về quê hương.

Đối diện với cuộc sống phía trước cơm áo gạo tiền, trách nhiệm phải gánh vác gia đình khi bố mẹ đã già, ông Tùng luôn khắc ghi lời Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông suy nghĩ: Là người lính, thời chiến sẵn sàng cầm súng đánh giặc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thời bình phải nỗ lực chiến đấu trên mặt trận chống đói, nghèo.

Nghĩ là làm, ông cùng một người bạn mở xưởng sản xuất túi nilon. Dù ngồi trên xe lăn nhưng ông Tùng vẫn làm được tất cả các công việc như người bình thường. Từ số tiền kiếm được, ông ra chợ Kim Liên dựng một căn nhà nhỏ, buôn bán sắt phế liệu. Thời điểm đó ông là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội buôn sắt phế liệu. Nhờ chăm chỉ, nhanh nhẹn, biết tính toán, ông cũng kiếm được một số tiền không nhỏ.

Những năm cuối 1980, ông chuyển sang kinh doanh nhà nghỉ, buôn bán quần áo. Những người dân phố Kim Liên đã quá quen với hình ảnh ông ngồi xe lăn nhưng vẫn đi khắp mọi nơi, giao dịch, kinh doanh đủ mọi nghề. “Cứ nhìn thấy cái gì làm ra tiền hợp pháp là tôi làm. Không có đôi bàn chân như mọi người nhưng tôi vẫn có khối óc, có đôi bàn tay. Tôi không nghĩ những việc người khác làm được mà mình không làm được”, ông chia sẻ.

Từ mảnh đất chỉ rộng 9m2, ông mở rộng, mua thêm thành một mặt sàn rộng 140m2. Năm 2021, một mình ông đứng lên xây căn nhà 4 tầng tiền tỷ. Tầng 1 chia làm 5 ki ốt cho thuê, tầng 2 là nơi ở với một vườn hoa lan tuyệt đẹp, tầng 3 cho thuê.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Tùng liên tục phải ngắt quãng vì những cơn đau hành hạ ông suốt ngày đêm. Do mảnh đạn găm trong cột sống không lấy ra được nên từ đó đến nay, ông phải chịu những nỗi đau âm ỉ. “Những cơn đau thường xuyên, nhất là lúc trái gió trở trời nhưng tôi cũng đã quen. Lúc nào đau quá thì uống viên thuốc giảm đau”, ông bảo.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều năm, ông hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng cho 2 chị em khiếm thị trong một gia đình ở Bắc Giang. Xem ti vi thấy hoàn cảnh nào khó khăn ông lại gửi tiền giúp đỡ. Ngay cả tài sản lớn nhất của ông là căn nhà đang ở ông cũng tâm niệm vài năm nữa bán đi, lấy tiền làm từ thiện. Ông bảo: "Tôi nghĩ mình có một món nợ, đó là nợ đời, nên phải trả".

Hiện nay, ở tuổi 67, thương binh Nguyễn Xuân Tùng với bản chất người lính cụ Hồ, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương nỗ lực vươn lên, làm kinh tế giỏi của ông thực sự là tấm gương sáng của người thương binh “tàn nhưng không phế’.