Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Tràn lan, khó ngăn chặn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thuốc và thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng rất khó ngăn chặn, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc sử dụng các mặt hàng này giả gây hại trực tiếp cho người sử dụng.
Cần ngăn chặn thuốc, thực phẩm chức năng giả để bảo vệ sức khỏe người dùng

Cần ngăn chặn thuốc, thực phẩm chức năng giả để bảo vệ sức khỏe người dùng

Sáng 23-8, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.

PSG. TS Lê Văn Truyền- chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) thông tin, quy mô thị trường thuốc giả khoảng 80 tỷ USD. Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Ấn Độ là những nơi sản xuất thuốc chủ yếu.

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia có nhiều tổ chức sản xuất thuốc giả còn các Tiểu vương quốc Ả rập, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), Yemen, Iran là những thị trường trung chuyển, từ đó thuốc giả có thể xâm nhập châu Phi, châu Âu và cả Hoa Kỳ.

Ông Lê Văn Truyền cho rằng, nguy cơ từ thuốc và thực phẩm chức năng giả ngày càng lớn khi các sản phẩm này được giới thiệu, phân phối trực tuyến và sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng để tuyên truyền.

“Nạn thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng… hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, ở đó có các kênh phân phối “phi chính thức” phát triển rất mạnh và không an toàn.

Tại Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.

Sức hút của thị trường làm cho số các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe sức khỏe tăng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển”- ông Lê Văn Truyền cho hay.

Theo bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong số các mẫu tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.

Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

“Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.

Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch”- bà Nguyễn Diệu Hà nhấn mạnh.

Thông tin về thực trang sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả mạo, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng giả, trong đó giả về chất lượng, công dụng là 60 vụ; giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu là 357 vụ; giả tem, nhxn, bao bì hàng hóa là 34 vụ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 162 vụ và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là 982 vụ.

Nguyên nhân khiến tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả là do lợi nhuận thu được từ hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng này giả là rất lớn, trong khi người tiêu dùng vẫn thường có thói quen mua thuốc không qua kê đơn, tự ý mua tại các hiệu thuốc hoặc “chợ mạng”.

Ông Nguyễn Đức Lê- Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho hay, ngành dược, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, lực lượng QLTT không thể dễ dàng để phát hiện thật giả một cách chính xác.

“Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần 1 khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường.

Có những vụ việc mặc dù có được sự tham gia của ngành y tế, nhưng việc xác định thuốc giả như trong vụ án VN Pharmar kéo dàng hàng năm trời mới có thể đưa ra kết luận, Tòa án mới có thể đưa ra được kết luận đó là sản phẩm làm giả về cả chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ.

Việc khó nhận biết được thật và giả dẫn đến việc thực thi vai trò, chức năng nhiệm cụ của cơ quan QLTT bị hạn chế rất nhiều trên cương vụ bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”- ông Nguyễn Đức Lê nói.

Ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) – nhận định, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng nên rất khó để ngăn chặn.

Về giải pháp cho vấn nạn này, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường biện pháp nhận diện, ngăn chặn hàng giả, xử phạt thật nặng để tăng tính răn đe.

PGS. TS Lê Văn Truyền gợi ý, trong bối cảnh hiện nay, các nhà quản lý và sản xuất cần sử dụng các biện pháp công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm của mình như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn hệ thống mã hóa, internet vạn vật, nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số… đặc biệt là sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng.