Thuốc rẻ cho người nghèo

ANTĐ - Từ tháng 10 tới, Ấn Độ sẽ áp dụng chương trình “Thuốc chữa bệnh miễn phí cho mọi người”, dự kiến tiêu tốn khoảng 5,4 tỷ USD trong 5 năm, một quyết định được cho là mang tính bước ngoặt, có thể thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Hàng trăm triệu bệnh nhân Ấn Độ sẽ được cấp phát thuốc miễn phí

Phổ cập thuốc “bình dân”

Từ bệnh viện ở thành phố đến trạm y tế nông thôn, các bác sĩ của Ấn Độ sẽ sớm có thể kê toa thuốc miễn phí chung cho tất cả những người đến khám chữa bệnh. Chương trình được Thủ tướng Ấn Độ               Manmohan Singh ủng hộ mạnh mẽ, nằm trong đề xuất kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (từ 2012 - 2017), đến tháng 8-2012 mới được phê duyệt chính thức. Kế hoạch này đã được đưa ra hồi năm 2011 nhưng không công bố công khai. Chỉ những tuần gần đây, nguồn kinh phí ban đầu mới được xác định. Khoảng 75% kinh phí sẽ do Chính phủ cấp, phần còn lại do các bang tự chi. Dự kiến trong vòng 5 năm, khoảng 52% dân số Ấn Độ có cơ hội tiếp cận chương trình này.

Theo kế hoạch, các bác sĩ sẽ được giới hạn trong một danh sách thuốc cơ bản (là loại thuốc mang đúng tên thành phần hóa học của nó chứ không phải là tên thương mại). Bộ Y tế Ấn Độ đã gửi danh sách gồm 348 loại thuốc cơ bản này, trong đó có thuốc điều trị AIDS, chống dị ứng, viêm loét, thuốc chữa bệnh thần kinh, giảm đau, gây mê, chữa bệnh tiểu huyết cầu… là những mặt hàng có giá “bình dân” của các hãng sản xuất trong nước như Cipla, Lupin hay Ranbaxy. “Chính sách của Chính phủ là thúc đẩy việc sử dụng dược phẩm có tiêu chuẩn chất lượng rộng rãi và hợp lý hơn”, ông LC Goyal, một quan chức của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ nhấn mạnh. “Chúng nhiều và rẻ hơn so với các thuốc có thương hiệu khác”.

Sáng kiến ​​này được đánh giá là sẽ cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng, từ việc giảm bớt gánh nặng viện phí cho người dân đến điều chỉnh thói quen kê đơn của bác sỹ. Hiện tượng phổ biến hiện nay là ở các phòng mạch và bệnh viện tư, mức phí thường gấp 4 lần bệnh viện công, mặc dù 40% người dân Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ, thu nhập không quá 1,25 USD/ngày. Chương trình “thuốc miễn phí” còn “thoáng” ở chỗ, các bác sỹ làm việc ở các cơ sở nhà nước sẽ được phép sử dụng 5% ngân sách, tương đương khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho những loại thuốc nằm ngoài danh mục được cấp miễn phí. Quá tiêu chuẩn đó, họ có thể bị phạt.

Động lực thúc đẩy

Mỗi năm người dân Ấn Độ bỏ ra khoảng 600 tỷ rupee (tương đương 11 tỷ  USD) tiền thuốc. Thị trường này sẽ còn mở rộng hơn nữa trong khi 5 năm tới, dân số nước này sẽ đạt 1,2 tỷ người. Động lực cho quyết định quan trọng trên chính là sự lớn mạnh của các hãng dược phẩm trong nước, tất nhiên có chính sách khuyến khích của nhà nước. 

Hồi tháng 3, Ấn Độ đã đồng ý cấp phép cho một hãng dược phẩm trong nước được quyền sản xuất phiên bản sao chép lại của Nexavar, thuốc điều trị ung thư do Tập đoàn Bayer của Đức sáng chế. Chi phí cho một liều hàng tháng của thuốc Nexavar Ấn Độ là 8.800 rupee (160 USD), trong khi giá của chính hãng Bayer gấp 30 lần như vậy.  Xu thế sản xuất hàng “nhái lại” những nhãn hiệu thuốc đã được cấp bằng sáng chế đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tổ chức các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ (OPPI), một nhóm vận động hành lang cho sản xuất dược phẩm đa quốc gia trong nội địa, cho rằng giá thuốc là yếu tố quan trọng, và điều này sẽ không phương hại đến các hãng dược lớn bởi những nhà sản xuất địa phương cũng góp phần đẩy nhanh tăng trưởng chung của ngành công nghiệp dược phẩm, đồng thời bệnh nhân nghèo không đủ khả năng sẽ được tiếp cận với thuốc thiết yếu.