Thuốc kháng sinh bị lạm dụng tràn lan

(ANTĐ) - Một nghiên cứu y tế theo dự án của nước ngoài tài trợ vừa thực hiện tại huyện Ba Vì (Hà Nội) cho thấy, chỉ có 21-25% số bệnh nhân uống thuốc kháng sinh đúng chỉ định của bác sĩ. Khảo sát tại BV Bạch Mai cũng chỉ ra, hầu hết số bệnh nhân bị bệnh do vi khuẩn khi nhập viện đã từng uống thuốc kháng sinh không theo chỉ định hoặc được chỉ định không đúng.

Thuốc kháng sinh bị lạm dụng tràn lan

(ANTĐ) - Một nghiên cứu y tế theo dự án của nước ngoài tài trợ vừa thực hiện tại huyện Ba Vì (Hà Nội) cho thấy, chỉ có 21-25% số bệnh nhân uống thuốc kháng sinh đúng chỉ định của bác sĩ. Khảo sát tại BV Bạch Mai cũng chỉ ra, hầu hết số bệnh nhân bị bệnh do vi khuẩn khi nhập viện đã từng uống thuốc kháng sinh không theo chỉ định hoặc được chỉ định không đúng.

Đa phần bệnh nhân trước khi tới bệnh viện đã từng uống kháng sinh (ảnh minh họa)

Đa phần bệnh nhân trước khi tới bệnh viện đã từng uống kháng sinh (ảnh minh họa)

Thực trạng đáng báo động

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi-BV Bạch Mai cho biết, thời điểm này thời tiết ở khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa nên số bệnh nhi phải nhập viện điều trị tăng cao, chủ yếu vẫn là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa. Trong số các bệnh nhi vào điều trị, đa phần đã từng tự mua thuốc kháng sinh hoặc đến các phòng khám tư và được kê đơn kháng sinh uống nhưng không khỏi.

Khảo sát của BV Bạch Mai cho thấy, trong số các bệnh nhân bị các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh hô hấp, bệnh đường tiêu hóa... đã từng đến khám tại các phòng khám hoặc BV thì chỉ có 1/3 số bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh, hơn 70% còn lại không nhất thiết phải sử dụng loại thuốc này.

Bởi trong số các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp thì 2/3 là mắc bệnh đường hô hấp trên và bệnh này không cần dùng kháng sinh. Hay những bệnh do virus thì hầu hết cơ thể có thể tự đối phó được. Tuy nhiên trên thực tế, gần như toàn bộ các bệnh nhân vẫn chủ động mua kháng sinh uống. Ngay cả các cán bộ y tế tại các phòng khám, y tế tuyến dưới cũng đa phần kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân mặc dù có thể bệnh nhân đó không cần dùng kháng sinh.

Quá trình theo dõi điều trị tại Khoa Nhi-BV Bạch Mai những năm gần đây cho thấy, tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở tất cả các đối tượng bệnh nhân đang tăng lên nhanh chóng. Không chỉ với các loại kháng sinh thông dụng mà ngay cả các thuốc kháng sinh thế hệ mới, tỷ lệ kháng cũng rất cao. Theo những khảo sát mới đây ở 30 loại thuốc kháng sinh thế hệ mới thì có đến 13 loại thuốc đã bị kháng.

Sẽ quản lý chặt việc bán kháng sinh

TS Dũng cho biết, kháng sinh là loại thuốc đặc hiệu để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nhưng không phải lúc nào, bệnh nào cũng cần điều trị bằng kháng sinh. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi không theo chỉ định hoặc chỉ định không đúng sẽ dẫn đến nguy cơ bị kháng thuốc, khiến bệnh nhân phải nằm viện điều trị lâu hơn, tốn kém hơn và dễ tái mắc bệnh hơn. Với những trường hợp chưa bị kháng thuốc thì việc lạm dụng kháng sinh cũng dễ gây ra các tác dụng phụ như dị ứng, gây lở loét da, sốc phản vệ. Trẻ em uống nhiều kháng sinh dễ gây ra chán ăn, nấm miệng, còn người lớn thường có phản ứng mệt mỏi. Một số loại gây tổn thương gan, thận.

Hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng diệt cả những loại vi khuẩn có ích trong cơ thể người, khiến cho cơ thể mất khả năng phòng bệnh. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh sẽ kích thích các loại vi khuẩn có hại nhưng chưa gây bệnh hoạt động mạnh hơn (để phòng bị) và gây ra bệnh, hoặc tự vi khuẩn chọn lọc các loại gene kháng thuốc và truyền lại cho các vi khuẩn khác...

Cũng theo TS Dũng, ở nhiều nước trên thế giới hiện đã có quy định nghiêm cấm bán thuốc kháng sinh tự do, chỉ bán theo kê đơn, trong khi tại nước ta việc mua bán kháng sinh diễn ra rất dễ dàng. ở các BV, việc quản lý tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh mới chỉ thực hiện được ở một số khoa điều trị nội trú, khu vực ngoại trú hầu như chưa quản lý được thực trạng này.

Hiện tại, Cục Quản lý Dược Việt Nam đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện nhà thuốc tốt và thực hành bán thuốc tốt (GPP), trong đó có quy định tất cả các nhà thuốc mới mở phải đạt GPP và thực hiện quy định chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu việc cho phép các bệnh nhân khi xuất viện được quyền yêu cầu BV sao chép lại một bản hồ sơ bệnh án để theo dõi quá trình sử dụng thuốc trong điều trị, nhằm tiện lợi cho các lần khám chữa bệnh sau.                         

Duy Tiến