Thuế tiêu thụ đặc biệt 20% với vàng: Một đề xuất hài hước

ANTĐ - Ngày 4-10 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 20%, đối với vàng. VAFI cho rằng, đánh thuế là giải pháp nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước; là giải pháp duy nhất chấm dứt đuợc tình trạng vàng hóa, USD hóa; là hướng kích thích dòng vốn chảy vào ngân hàng, qua đó tạo điều kiện giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi; dự trữ ngoại hối Nhà nước cũng có cơ sở để tăng lên, cải thiện hình ảnh quốc gia…  

Cụ thể, Hiệp hội này đề xuất Chính phủ xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy… “vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết”. VAFI phân tích: “Nếu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm tới giải pháp này thì sẽ có hàng trăm nghìn tỷ chảy vào hệ thống ngân hàng, tỷ giá ổn định vững chắc và là cơ sở quan trọng để đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 3%/năm, đồng thời tăng thêm dự trữ ngoại hối lên 30 tỷ USD nhờ giải pháp này, đưa tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên 60 tỷ USD, lúc đó hình ảnh nền kinh tế Việt Nam sẽ khác hẳn so với hiện nay”. Dĩ nhiên về mặt pháp lý hoàn toàn có thể thực hiện điều này. Theo quy định tại Nghị định 24, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với NHNN trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ. Vì vậy có thể áp thuế ngay lập tức.

Đây là đề nghị “hay”. Bởi vì sau khi NHNN độc quyền nhập vàng về bán cho dân với giá cao hơn, nhiều khi đến gần 20%, thu được gần 7.000 tỷ đồng lãi, đã bắt đầu có kế hoạch thu hút số vàng trong dân đưa vào thị trường vốn phục vụ phát triển kinh tế. Cái cách mà VAFI đề xuất là đánh thuế cao vào vàng để người đang giữ vàng thấy giữ vàng thiệt hại nặng phải bán vàng đi để giao tiền cho các thành viên VAFI kinh doanh. Cái cách mà VAFI đề nghị cũng hay. Nếu người dân bán vàng mua bán vàng phải chịu thuế 20%. Còn nếu bán cho NHNN bằng giá thế giới thì không phải chịu thuế. 

Trời đất, mua vàng về bán cao hơn giá thế giới 20% xong rồi ép dân bán cho NHNN bằng giá thế giới. Đó không phải là giải pháp mà là gây thiệt hại cho dân bằng các biện pháp hành chính. Vậy sẽ có biện pháp “hiệu quả” hơn, cũng theo cách này, là thông báo một thời hạn nào đó, ai còn giữ vàng sẽ bị phạt 100% và bằng một lệnh khác, cấm tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng mua vàng. Giá vàng sẽ còn thấp bằng nửa giá thế giới và sau khi ta bán vàng ra thế giới, ngân sách không chỉ tăng thêm vài tỷ USD mà sẽ còn tăng hàng trăm tỷ USD. Chỉ có điều dân có còn tin ở các chính sách kinh tế nữa không?

Hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhưng có thể thấy, về lý thuyết, nếu đánh thuế sẽ giảm bớt sự hấp dẫn của vàng trong dân cư, xa hơn là để có thể hạn chế tình trạng vàng hóa, tình trạng chôn vốn vào vàng, hay hạn chế sức ảnh hưởng của vàng đối với các vấn đề tỷ giá, lãi suất, thanh khoản ngân hàng mà sau đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Và nếu đánh thuế, tác động trực tiếp và cụ thể nhất là chênh lệch giá trong nước so với thế giới sẽ càng dãn rộng. Cho đến ngày 15-10 giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới gần 5 triệu/lượng. Khi đánh thuế, chênh lệch sẽ có thể lên đến trên 10 triệu/lượng vì phải gánh thêm 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Và thị trường vàng Việt Nam sẽ nổi tiếng trên toàn thế giới, giá nội địa cao hơn giá thế giới trên 30%. Nhưng quan trọng hơn là VAFI cũng đừng hy vọng dân sẽ bán vàng để gửi ngân hàng. Càng dùng các biện pháp hành chính, vàng càng chui ống bơ chôn dưới đất và người ta mua bán với nhau bằng thỏa thuận, Nhà nước cũng không thu được thuế. Viễn cảnh về một thị trường vàng ngầm đã hiển hiện nếu đồng ý với mấy ông đầu tư tài chính thèm tiền này.