Thuê bao di động bị "móc túi" 230 tỷ đồng: Làm gì để tránh mất tiền oan

ANTD.VN - Tốt nhất không nên làm theo các hướng dẫn đăng ký dịch vụ (nhắn tin theo cú pháp đến một đầu số nào đó) nếu bạn chưa rõ dịch vụ đó là gì và thể lệ cụ thể của dịch vụ, đây là lời khuyên của chuyên gia để các chủ thuê bao di động tránh mất tiền oan.

Thuê bao di động bị "móc túi" 230 tỷ đồng: Làm gì để tránh mất tiền oan ảnh 1

Nội dung về thể lệ,  cách hủy dịch vụ, giá cước... có kích cỡ rất nhỏ ở chân trang

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa tiến hành thanh tra và xử phạt đối với Văn phòng đại diện Công ty SAM Media Limited tại Hà Nội liên quan tới việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn.

Ngay sau khi thông tin này được phát ra, nhiều “khách hàng bất đắc dĩ” từng mất tiền vì những dịch vụ tương tự đã chia sẻ cách thức các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động dụ khách hàng đăng ký.

Anh Phan Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Khi sử dụng điện thoại, đặc biệt có sử dụng dịch vụ truy cập internet, người dùng thường hay gặp trường hợp được gửi đường dẫn (link) thăm dò ý kiến, test IQ để trúng thưởng gửi về từ một đầu số ngắn. Nếu người dùng cả tin đăng ký theo cú pháp tổng đài đưa ra thì sẽ bị mất tiền oan”.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc, Tập đoàn công nghệ Bkav, có thể khẳng định các trường hợp bị trừ tiền đều có đăng ký dịch vụ.

“Từ thông tin xử phạt của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể thấy, các thông tin về trúng thưởng và mã lệnh đăng ký dịch vụ có chữ to, người đọc có thể làm theo mà lại không để ý đến thể lệ cụ thể và cách huỷ với cỡ chữ nhỏ ở dưới. Điều đó khiến chủ thuê bao không cảnh giác khi đăng ký và sau đó thì lại không nghĩ là mình đã đăng ký dịch vụ để có biện pháp huỷ”, ông Sơn phân tích rõ hơn.

Trước câu hỏi, các thuê bao di động cần làm gì để tránh bị “móc túi” bởi những dịch vụ không minh bạch, ông Vũ Ngọc Sơn nêu giải pháp: “Tốt nhất không nên làm theo các hướng dẫn đăng ký dịch vụ, như nhắn tin theo cú pháp đến một đầu số nào đó nếu bạn chưa rõ dịch vụ đó là gì và thể lệ cụ thể của dịch vụ”.

“Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra lại cước điện thoại để kiểm soát được các khoản tiền bị trừ là dành cho dịch vụ gì, nếu là một dịch vụ không sử dụng thì cần liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ để yêu cầu huỷ”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trước đó, theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Văn phòng đại diện SAM Media tại Hà Nội đã triển khai hoạt động hợp tác kinh doanh với một số công ty tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn.

Sau khi ký kết hợp đồng hợp tác, SAM Media đã tổ chức hoạt động quảng cáo trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại trên Internet.

Các nội dung quảng cáo trúng thưởng được thiết kế có dạng là các biểu tượng của các sản phẩm này và các câu hỏi vui để người dùng tham gia trả lời. Phần trên của giao diện màn hình là các khối hình minh họa và nội dung về các ưu điểm của dịch vụ, thông tin về các giải thưởng, mã lệnh đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nhập mã đăng ký dịch vụ có kích thước và cỡ chữ rất lớn.

Trong khi đó, phần dưới chân màn hình là nội dung về thể lệ của chương trình khuyến mại, cách hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ khách hàng và giá cước của dịch vụ với cỡ chữ nhỏ hơn nhiều so với phần trên.

Thông qua phương thức tiếp cận khách hàng như trên, từ tháng 1-2013 đến tháng 3-2016, khách hàng của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại thời điểm ngày 19-7-2016 là gần 100.000 khách hàng.