Thực tế sống động và không thể phủ nhận về tự do tôn giáo ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam lần đầu tiên được ra mắt với những thông tin cơ bản về quyền tự do tín ngưỡng, các chủ trương, chính sách pháp luật bảo đảm quyền này được xem như bức tranh chân thực về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại nước ta - đất nước có 26,5 triệu tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau.
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK năm 2019 thu hút hàng nghìn đại biểu quốc tế và tăng ni phật tử được Việt Nam tổ chức rất thành công

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK năm 2019 thu hút hàng nghìn đại biểu quốc tế và tăng ni phật tử được Việt Nam tổ chức rất thành công

Lần đầu công bố sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo

Ban Tôn giáo Chính phủ mới đây đã ra mắt sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Sách giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp; quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các văn bản hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ra sách trắng về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong sách trắng cũng giới thiệu những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam, chính sách tôn giáo ở Việt Nam, những thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, sách trắng có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo…

Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu lập nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã được ghi nhận và thể hiện trong các hiến pháp qua các thời kỳ từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992. Hiến pháp 2013 - hiến pháp của thời kỳ đổi mới - tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 của Hiến pháp 2013 khẳng định: “1 - Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2 - Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3 - Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Cùng với sự phát triển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung, trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những bước tiến nổi bật. Sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo luôn được Nhà nước bảo đảm và tôn trọng, đồng thời nỗ lực bảo đảm, tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường trong đời sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền này, trong đó phải kể đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong tôn giáo còn hạn chế; sự gia tăng hoạt động truyền bá tôn giáo nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ làm xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới, trái thuần phong mỹ tục, trái luật pháp của Việt Nam; hoạt động tôn giáo trên không gian mạng đang là vấn đề mới phát sinh, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước về tôn giáo. Đặc biệt, một số đối tượng thiếu thiện chí, chống đối ở trong và ngoài nước nhận định thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí bóp méo, xuyên tạc về tình hình, chính sách tôn giáo của Việt Nam…

Trên tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong bối cảnh đó, sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam là một trong những công cụ chuyển tải thông tin chính thống, trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo làm cơ sở tham chiếu chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, sách được xem như cẩm nang cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm giúp họ nắm rõ lĩnh vực mà mình công tác để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đời sống tôn giáo đa dạng, phong phú

Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam được xem như bức tranh toàn cảnh, chân thực về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại nước ta. Bức tranh toàn cảnh ấy hiển hiện sống động trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ khi thành lập nước tới nay.

Ai cũng thấy rõ, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nước ta hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo. Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 nghìn chức sắc, trên 147 nghìn chức việc, hơn 29,6 nghìn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo có 15,1 triệu người; Công giáo có 7,1 triệu người; Cao đài có 1,1 triệu người; Tin lành có 1 triệu người; Hồi giáo có 80 nghìn người; Phật giáo Hòa Hảo có 1,3 triệu người. Còn lại là các tôn giáo khác. Trong 16 năm, từ

2001 - 2017, số tín đồ của các tổ chức tôn giáo được công nhận ở nước ta tăng lên 6% trong dân số. Số lượng tín đồ các tôn giáo đều tăng lên, trong đó tăng nhanh nhất là tín đồ đạo Tin lành, từ 670.000 người (năm 2004) đã tăng lên tới trên 1,2 triệu tín đồ (năm 2015), tức là tăng gấp gần 2 lần trong vòng 10 năm. Những thập kỷ gần đây, Việt Nam không có xung đột tôn giáo, các tôn giáo chung sống hòa hợp, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo rất tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.

Trên khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ… mọi sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu Lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ hội Yến Diêu Trì Cung của Cao Đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Đặc biệt, các hoạt động tôn giáo lớn đã trở thành lễ hội của người dân Việt Nam như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, trong đó năm 2019 được tổ chức tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) với trên 1.500 đại biểu quốc tế cùng hàng vạn tăng, ni, phật tử về dự; ngày lễ Giáng sinh của đồng bào Công giáo ở khắp mọi miền đất nước cũng đã trở thành một lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam…

Thực tế sống động và không thể phủ nhận là minh chứng không thể thuyết phục hơn những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước ta nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân.