Thực phẩm sạch - bẩn vẫn lập lờ

ANTD.VN - Trong khi các quy định xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đủ sức răn đe, sự giám sát của cơ quan quản lý chưa chặt chẽ,  nên nhiều người vì lợi nhuận vẫn bất chấp tất cả để qua mắt người tiêu dùng. 

Thực phẩm sạch - bẩn vẫn lập lờ ảnh 1Thực phẩm hết “đát” nhưng vẫn được bày bán tại nhà hàng Sói Biển

Khi được hỏi cách phân biệt đâu là thịt lợn đã được kiểm dịch ATTP, chị Nguyễn Thu Lan, ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội lo lắng: “Chỉ nhìn bằng mắt thường thì việc phân biệt thịt có kiểm định và không được kiểm định ATTP là việc không dễ dàng.

Do vậy, khi đi chợ, những người như tôi chỉ biết dựa vào may mắn khi lựa chọn hàng hóa”. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều người chỉ biết trông chờ vào những thực phẩm đặt hàng người thân quen ở quê. Tuy nhiên, việc này cũng không kéo dài được bao lâu, bởi số lượng người cung cấp “đồ quê” ngày càng nhiều khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, một số đối tượng đã trá hình các loại thịt lợn, thịt trâu, bò, gà, vịt… mang từ quê ra bán theo dạng thực phẩm sạch có nguồn gốc. Nhưng thực chất, đó vẫn là những sản phẩm chưa qua kiểm định, thậm chí còn kém chất lượng.

Thực tế cho thấy, trên thị trường đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng mang thịt lợn ốm, lợn “gạo” từ nông thôn ra thành phố bán và đánh lừa người tiêu dùng là thịt lợn “quê”. Cụ thể, đầu tháng 10-2016, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện và bắt giữ đối tượng chuyên bán, cung cấp thịt lợn bệnh cho đầu mối tiêu thụ và người này từng giao hàng cho một phụ nữ ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khi bị phát hiện, đối tượng vi phạm khai nhận thu gom lợn ốm ở các tỉnh lân cận, sau đó “hô biến” thành lợn sạch rồi chuyển cho các đầu mối tiêu thụ trên thị trường và  đưa vào một số nhà hàng. 

Theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát môi trường, tội phạm trong lĩnh vực ATTP không từ một thủ đoạn nào và khi cơ quan chức năng tấn công mạnh ngoài thị trường, chúng sẵn sàng cấu kết với quán ăn, nhà hàng để tiêu thụ. Ngày 23-11 vừa qua, Ban Chỉ đạo 389, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chỉ đạo tổ công tác liên ngành kiểm tra đột xuất VSATTP tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch “Sói Biển”. Tổ công tác phát hiện một số loại thực phẩm như thịt lợn, chả cá, cá hồi đã quá hạn sử dụng, nhưng vẫn được để trong tủ bảo ôn. Giải thích cho hành vi vi phạm, chủ cửa hàng nói số thực phẩm này do chưa mang về kho được nên để trong túi bóng riêng và dán nhãn “hàng không bán”, rồi đổ lỗi cho nhân viên cửa hàng không nắm được chủ trương của chủ... 

Thượng tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội cho biết: “Tội phạm về ATTP ngày càng phức tạp, không từ một thủ đoạn nào, từ việc sử dụng tem hạn sử dụng dán vào thực phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, hay sử dụng phụ gia, chất cấm trong chế biến, bảo quản hàng hóa, chất tạo màu, chất tẩy trắng hải - thủy sản... Trước những vi phạm về VSATTP, Phòng Cảnh sát môi trường đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập thị trường. Vừa qua, đơn vị đã xử lý 2.637 vụ việc liên quan đến vi phạm về ATTP”. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường, CAQ Ba Đình, Hà Nội, dịp cuối năm, các mặt hàng thực phẩm thường tăng mạnh, vì lợi nhuận các cơ sở kinh doanh, tiểu thương đã bất chấp đưa ra thị trường những thực phẩm không đảm bảo an toàn để bán cho người tiêu dùng. Thậm chí từ rau, củ quả, thịt, cá… họ có thể gắn mác thực phẩm an toàn để lừa dối khách hàng. 

Một thực tế hiện nay khiến người tiêu dùng và thậm chí cơ quan chức năng nếu không quản lý tốt sẽ rất dễ bị các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực ATTP qua mặt như việc chế biến, sản xuất các mặt hàng thực phẩm với các công đoạn được thực hiện hết sức tinh vi như tẩm ướp, tẩy xóa, in dán lại nhãn mác, thời hạn sử dụng. 

“Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, lực lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra các mặt hàng thực phẩm như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai và các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống... Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất... Ngoài ra, để tránh sử dụng phải hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng khi mua thực phẩm cần đến  các cơ sở có uy tín, chỉ sử dụng thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng…”, chỉ huy Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội chia sẻ.