Thực phẩm quê lên ngôi

ANTĐ - Không cần phải là thực phẩm quý hiếm trên rừng, dưới biển hay là “hàng độc” của một làng quê xa xôi hẻo lánh, mà với người dân Hà Nội hiện nay, thực phẩm đơn giản như: cá, thịt, trứng, rau xanh... thông thường cũng là đặc sản, miễn chúng có xuất xứ từ làng quê.

Gà quê “cháy hàng” vì nhu cầu quá lớn từ thành phố. Ảnh: PHÚ KHÁNH

(Trong ảnh: Chọn mua gà mang về Hà Nội tại Yên Dũng, Bắc Giang)

Đắt đơn vẫn mua

Đều đặn mỗi tuần, chị Hồng (Dịch Vọng Hậu- Cầu Giấy) nhận thực phẩm, bao gồm: thịt lợn, rau xanh, thịt gà... từ Ba Vì do mẹ chồng gửi xuống. Chị Hồng chia sẻ: “Thực phẩm trên quê vừa rẻ, vừa ngon. Mẹ tôi mua tận gốc nên rất yên tâm, không sợ thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích. Gửi xe buýt tuy mất chút cước phí nhưng rất thuận tiện”.  Về cảm tính, chị Hồng cho biết thực phẩm quê tươi ngon hơn các mặt hàng cùng loại mua ngoài chợ. Vì không sử dụng chất kích thích nên thời gian chăn nuôi của lợn, gà dài hơn, thời gian trồng rau cũng lâu hơn nên thực phẩm có vị ngọt thơm đậm đà, tự nhiên. 

Không riêng gì chị Hồng mà với nhiều bà nội trợ khác, thực phẩm quê đang trở thành “chủ lực” trong bữa ăn thường ngày của gia đình. Khi thực phẩm bẩn, nguồn gốc không rõ ràng tràn lan và khó kiểm soát, đe dọa trực tiếp sức khỏe của người sử dụng thì thực phẩm an toàn, có độ tin cậy cao được nhiều người lựa chọn. Theo chị Vân (Đình Thôn- Mỹ Đình- Từ Liêm), thực phẩm quê thường không có mã đẹp. Ví như rau xanh, không thể non mướt nhìn đã thấy mát mắt như rau ngoài chợ. “Hôm vừa rồi tôi về quê thấy nhà hàng xóm than thở, sâu và bọ nhảy phá nát hết mấy luống rau cải cúc gieo sớm. Họ nói không phun thuốc thì khó có rau ăn. Thế nhưng ở chợ, rau cải cúc vẫn non mướt và bán với giá 3.500-4.000 đồng/mớ. Lấy đâu ra nhiều rau sạch thế?”- chị Vân nghi ngờ.

Nhiều gia đình sinh sống tại Hà Nội đang tận dụng triệt để nguồn thực phẩm quê cho sinh hoạt của gia đình. Mỗi lần về thăm quê hay có dịp người nhà ở quê ra chơi, “hành lý” mang theo không phải cà chua, khoai tây, rau lang, rau muống thì cũng có con cá, con gà hay cân thịt. Đồng thời, không ít bà nội trợ khác lại tìm đến các cửa hàng, các website rao bán thực phẩm quê để mua thức ăn.  

Giá các loại thực phẩm quê thường cao hơn giá bán các mặt hàng cùng loại tại các chợ từ 10.000-30.000 đồng/kg. Đây là mức chấp nhận được vì không quá cao lại an toàn. Thậm chí, có loại còn rẻ hơn so với mặt bằng giá tại nội thành. Ví như gà quê, gà lông dịp giáp Tết này cũng ở mức 90.000 đồng/kg, trong khi gà ta tại chợ giá 130.000 đồng/kg, chưa tính đến chất lượng.

Vẫn cần kiểm soát chất lượng

Nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người dân, nhiều gian hàng, website bán thực phẩm quê được mở ra. Trên diễn đàn lamchame.com, thông tin rao bán thực phẩm quê được nhiều bà nội trợ vào xem, mua hàng và góp ý. Giá các mặt hàng được đăng công khai để người mua so sánh. Những phản hồi không tốt về sản phẩm cũng được cộng đồng chia sẻ, đăng tải. Ngược lại, những mặt hàng chất lượng tốt được người mua nhiệt liệt ủng hộ. Chính vì thu hút người tiêu dùng nên không ít chị em phụ nữ làm văn phòng có thêm nghề tay trái là bán thực phẩm quê. Dù kinh doanh nhỏ lẻ nhưng người bán cũng có thêm thu nhập, trong khi người mua tìm được thứ họ cần. “Mỗi làng quê, một sản phẩm” khiến “chợ” thực phẩm quê trên mạng khá sôi động và phong phú. Một số người còn mở rộng kinh doanh thêm nhiều mặt hàng: từ cua, cá đến thịt trâu, thịt bò... 

Trên thị trường, nhiều cửa hàng bán thực phẩm quê cũng được mở ra. Trong thời gian ngắn, tại Đình Thôn - Mỹ Đình, 2 cửa hàng mang tên “Ngon và Lành” ra đời chuyên kinh doanh thực phẩm quê: gà đồi Phú Thọ, rau xanh Phú Thọ... Mặc dù giá cao hơn giá ngoài chợ nhưng luôn tấp nập người mua. Bên cạnh đó, chuỗi các cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, rau an toàn, nước ép trái cây tươi, an toàn... liên tiếp ra đời. 

Một chuyên gia của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, ưa chuộng thực phẩm quê là bình thường. Tuy nhiên, có bao nhiêu thực phẩm quê được rao bán là thật, đảm bảo an toàn, ngon, lành là chuyện khác, nhất là khi thực phẩm quê được kinh doanh ồ ạt, cả người bán, người nuôi trồng đều nghĩ tới mở rộng sản xuất mang tính thương mại hơn và đương nhiên chúng chưa được kiểm soát chất lượng chặt chẽ.