Thực hư thông tin ớt khô Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc bị trả về

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến thời điểm trước ngày 27/6, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Hàn Quốc về việc cấm nhập khẩu các lô hàng ớt của Việt Nam cũng như thu hồi các lô hàng ớt xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa nhận thông tin thu hồi và cấm ớt khô Việt Nam

Trao đổi với báo chí liên quan đến thông tin sản phẩm ớt khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Hàn Quốc bị trả về, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khẳng định, ngay sau khi xuất hiện thông tin Hàn Quốc tạm dừng nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, xác minh ngay để có thông tin chính xác.

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với đối tác phía Hàn Quốc là Cơ quan an toàn thực phẩm Hàn Quốc, làm việc với Văn phòng SPS Việt Nam để làm rõ thông tin.

"Có thể khẳng định, tính đến thời điểm trước ngày 27/6, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Hàn Quốc về việc cấm nhập khẩu các lô hàng ớt của Việt Nam cũng như thu hồi các lô hàng ớt xuất khẩu của Việt Nam như thông tin lan truyền", ông Hoàng Trung khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Trung, những năm qua, để xúc tiến xuất khẩu ớt sang các thị trường, trong đó có Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã rất nhiều lần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các yêu cầu của phía đối tác, một trong các điều kiện tiên quyết các lô ớt trước khi xuất khẩu phải đưa mẫu vào các phòng xét nghiệm để kiểm tra, loại trừ việc còn tồn dư các hóa chất mà phía Hàn Quốc cấm.

Ớt sấy khô của Việt Nam hiện được xuất khẩu đến nhiều quốc gia

Ớt sấy khô của Việt Nam hiện được xuất khẩu đến nhiều quốc gia

"Các doanh nghiệp đều biết, bản thân các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nào phải có trách nhiệm tìm hiểu nghiêm túc yêu cầu của các nước nhập khẩu và đáp ứng đúng các yêu cầu đó. Thông tin đều được công khai. Hiện nay, cả 8 phòng lab của Việt Nam đều được phía Hàn Quốc thẩm định làm các mẫu xét nghiệm để xuất khẩu sang Hàn Quốc", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói thêm.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng khẳng định, theo thống nhất giữa cơ quan chức năng hai nước, sau khi đã xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, nếu có bất kỳ vi phạm gì sẽ được thông báo ngay, do vậy, thông tin lan truyền vừa qua là không chính xác.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu ớt, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, tiềm năng xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, hay Malaysia, Trung Quốc đều rất tốt, việc xuất khẩu thuận lợi, không có vấn đề gì xảy ra. Sản lượng xuất khẩu ớt của Việt Nam mỗi năm khoảng 4.000 - 5.000 tấn, kim ngạch trên dưới 10 triệu USD.

"Không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc để hoàn thiện ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, khi đó, sản lượng ớt xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng", ông Hoàng Trung khẳng định.

Trước đó, ngày 27/6/2023, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật liên quan đến thông báo của Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, ngày 10/4/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo của Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Long Thành do kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô vượt quá mức dư lượng cho phép.

Phía Hàn Quốc đã thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do 3 công ty của Hàn Quốc (Công ty TNHH Thương mại Geosan, Seoul; Công ty TNHH Nông nghiệp Bokine, Daejeon, Công ty TNHH Nông nghiệp Yangil, Seoul) phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Long Thành.

"Đến ngày 27/6/2023, Văn phòng SPS Việt Nam không nhận được thông báo về việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam", Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.

Yêu cầu doanh nghiệp bị cảnh báo thu hồi sản phẩm

Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng SPS Việt Nam, ngày 29/6/2023, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có văn bản gửi Công ty TNHH Long Thành, Sở NN&PTNT Hải Dương, các Chi cục kiểm dịch thực vật liên quan đến việc truy xuất lô hàng ớt xuất khẩu Hàn Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Công ty TNHH Long Thành tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT;

Phải thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm; gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 27/7/2023.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo; thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.