Thừa nhận kẽ hở trong chấm thi và đề thi khó, Bộ GD-ĐT có giải pháp gì cho thi THPT quốc gia 2019?

ANTD.VN - Trong cuộc tổng kết năm học 2017-2018 hôm nay, Bộ GD-ĐT thừa nhận, đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu thi THPT, còn kẽ hở trong chấm thi trắc nghiệm để xảy ra tiêu cực nghiêm trọng tại Hà Giang, Sơn La. 

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ GD-ĐT thừa nhận, đề thi chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao, nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn đề thi các năm trước, khó so với yêu cầu của thi THPT.

Bên cạnh đó, phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Tuy nhiên, còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.

Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.

Bộ GD-ĐT sẽ phải đưa ra các biện pháp khắc phục kẽ hở kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho kỳ thi này sang năm

Góp ý về những hạn chế của kỳ thi năm nay cũng như điểm cần cải tiến, ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nêu rõ, điểm đầu vào trường ĐH rất quan trọng. Để đảm bảo nguồn tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn về khâu ra đề thi.

Theo ông Trần Thọ Đạt, đề thi cần đảm bảo có sự phân hóa trình độ của thí sinh để các trường dựa vào đó để chọn lọc thí sinh. Bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm về phổ điểm để ra đề thi tránh năm nay khó, năm sau dễ rồi lại thay đổi.

Đối với công tác coi thi không thể không có vai trò của các trường ĐH và Bộ GD-ĐT không nên để riêng các chiến sĩ cảnh sát, thí sinh tự do ngồi một phòng thi.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng: Việc tổ chức thi THPT Quốc gia 2018 đã góp phần giảm tải căng thẳng, kinh phí, giảm áp lực học thêm dạy thêm. Tuy nhiên, với những bất cập trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục bổ sung, nghiên cứu những thiếu sót, kẽ hở để tổ chức thi tốt hơn.

Đây cũng là ý kiến chung của đa số các sở địa phương về định hướng kỳ thi THPT quốc gia sang năm với hy vọng giữ ổn định đồng thời cần bổ sung ngay các biện pháp đảm bảo công bằng, khách quan cho kỳ thi quan trọng này.