Thủ tướng: Thương vụ đừng ngồi chờ doanh nghiệp đến "nhờ" mới làm

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các Thương vụ không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” mới làm mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ doanh nghiệp; phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại sáng nay, 7/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành Công Thương và các tham tán, thương vụ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước.

Trong đó, phải kể đến những con số kỷ lục như: kim ngạch thương mại với 425 tỷ USD, riêng khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD. Có 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; có 59 quốc gia đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Sau 10 năm gia nhập WTO 2007-2017, tổng kim ngạch thương mại việt Nam tăng gấp 3 lần.

Điều đáng mừng hơn cả là không khí phấn khởi trong toàn xã hội, trong đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, trong đó nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước (tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan...).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem “nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…” để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, lợi thế so sánh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các cán bộ thương vụ tuyệt đối không được có tuy duy nhiệm kỳ. Theo Thủ tướng, thực tế vẫn còn tình trạng “lo việc riêng hơn việc nước”, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ hay còn có thương vụ ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách.

Thủ tướng nhấn mạnh hai chữ “phục vụ”, yêu cầu các thương vụ phải thực hiện tốt phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” bằng các việc làm cụ thể phục vụ doanh nghiệp. Thương vụ đừng chỉ ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” mà cần chủ động kết nối với đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp; nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại…

Thủ tướng cũng cho rằng nói đến thương vụ là nói đến thị trường. Hiện năng lực sản xuất trong nước rất lớn và vấn đề lo nhất là lo thị trường ổn định, chấp nhận sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, khai thác các cơ hội, phòng tránh rủi ro; phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.

Làm việc với các bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh bảo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.

Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta không chỉ có thị trường của 100 triệu dân mà chúng ta có thị trường trên 630 triệu dân của ASEAN, một thị trường tự do có quan hệ thương mại tự do FTA với 55 quốc gia, nền kinh tế thế giới. Các tham tán thương mại cần hiểu điều này để thâm nhập sâu hơn, khai thác mạnh mẽ hơn các thế mạnh của chúng ta.