Thủ tướng tham quan triển lãm, dự diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

ANTD.VN - Sáng nay (9-5), Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” chính thức khai mạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Từ đầu giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan các gian hàng của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và tham dự Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sự có mặt của Thủ tướng tại Diễn đàn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với vấn đề phát triển công nghệ.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước cơ hội "có một không hai để giải quyết các bài toán Việt Nam"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề: "Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay với khát vọng về một đất nước hùng cường, phát triển. Vậy đâu là lời giải cho bài toán này?

Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, Việt Nam là môi trường để sinh ra các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm đa dạng hóa các sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi toàn cầu, thế giới, từ đó Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển hùng cường.

Và cũng từ đó, lần đầu tiên chúng ta tổ chức tổ chức diễn đàn quốc gia liên quan đến một tuyên bố quan trọng liên quan đến tương lai của doanh nghiệp Việt Nam “Make in Vietnam”.

"Make in Việt Nam là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để “Make in Vietnam”. Nếu ta tiếp tục gia công thì sẽ không thể giải bài toán tăng năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.

Make in Vietnam cũng như là trách nhiệm của chúng ta trên toàn cầu. Ngoài việc sử dụng sản phẩm thì Việt Nam phải đóng góp cho nhân loại, cho sự phát triển công nghệ. Make in Vietnam không chỉ giúp việt Nam thịnh vượng mà còn giúp việt Nam có hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, công ty nào áp dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm, thay đổi cách làm ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ góp phần định hình lại thế giới.

Do vậy, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là ưu tiên số 1. Theo Bộ trưởng, đổi mới - sáng tạo không thể không nói đến những startup. Những doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế, rồi nhanh chóng vươn mình trở thành những tập đoàn công nghệ toàn cầu. "Việt Nam rất cần những doanh nghiệp như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, Diễn đàn lần này cũng sẽ nói đến hệ sinh thái sáng tạo, startup công nghệ. Theo ông, Việt Nam cần các khởi nghiệp công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạnh công nghệ toàn dân. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ.

Lần đầu tiên, diễn đàn sẽ đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp phát triển, đặt ra các tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho doanh nghiệp, buộc phải đổi mới công nghệ. Lần đầu tiên diễn đàn bàn sâu về một câu chuyện còn mới với đất nước. Diễn đàn cũng sẽ đề xuất với Chính phủ các tiêu chuẩn cao hơn để doanh nghiệp phát triển.

"Sự chuyển đổi lớn nhất là của tất cả mọi người. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên là giáo dục và các doanh nghiệp giáo dục.

Đổi mới giáo dục, dạy ICT và ngoại ngữ là thiết yếu. Gần đây, thế giới hay nói đến 3 thứ ngôn ngữ là: ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Anh và ngôn ngữ ICT.

Chúng ta cần ngôn ngữ mẹ đẻ để để duy trì văn hoá, tiếng Anh để hội nhập và ICT để giao tiếp với máy móc.

Chúng ta đặt ra một khát vọng và một tầm nhìn, chúng ta có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào công nghệ và sự phát triển của các doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước"-  Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định.