Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải quan tâm, chăm lo người yếu thế

ANTD.VN - Ngày 17-1, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2017, các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).

Trong năm 2017, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực như: trọng thể kỷ năm 70 Ngày Thương binh liệt sĩ, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Các lĩnh vực của ngành có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2016. Trong đó, công tác xuất khẩu lao động xác lập kỷ lục mới, đưa hơn 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực nhằm bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương những thành tích mà ngành lao động xã hội cũng như toàn xã hội đã đạt được trong năm 2017.

Thủ tướng đánh giá cao ba chỉ tiêu mà ngành lao động xã hội đạt được là giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là thành tích về xuất khẩu lao động. Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã kịp thời ban hành và xây dựng nhiều đề án, chính sách lớn về đối tượng chính sách, giải quyết chế độ cho người có công một cách linh hoạt, quyết liệu đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực này. 

Về an sinh xã hội, trong năm 2017 có tới 16 cơn bão lớn, Chính phủ đã xuất cấp tổng cộng 130.000 tấn gạo để chăm lo cho đời sống người dân, không để ai phải màn trời chiếu đất, đói cơm đứt bữa. Điều này thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của Nhà nước và toàn xã hội đến người yếu thế, người nghèo, người dân ở vùng thiên tai...

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuy năm 2017 ngành lao động đã đạt thành tích toàn diện, xuất sắc, nhưng cũng còn một số hạn chế, cần khắc phục triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.

Cụ thể, đó là vấn đề năng suất lao động còn thấp, giáo dục nghề nghiệp chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn cao.

Giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo còn lớn, nhiều huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao. Tệ nạn ma túy, mại dâm, tình trạng xâm hại trẻ em, đuối nước vẫn cao. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đề cập nhiệm vụ trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu rà soát chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thu hút và khuyến khích xã hội hoá trong công tác chăm lo đối tượng chính sách, thực hiện đầy đủ chính sách với người có công.

Đối với hoạt động xuất khẩu lao động cần đảm bảo uy tín khi đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, thu hút doanh nghiệp có chất lượng tham gia. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cần đổi mới chính sách lương tối thiểu vùng để đảm mức sống tối thiểu cho người lao động; nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, phát triển bảo hiểm tự nguyện; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo hành đối với trẻ em. 

Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, ngành lao động xã hội phải tổ chức các hoạt động, quan tâm tới đời sống của người dân, nhất là người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, người yếu thế; chăm lo, hỗ trợ để mọi gia đình đều có Tết.