Thủ tướng: Dù Việt Nam chưa công nhận nhưng vẫn có giao dịch tiền ảo, nên cần có chế tài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ĐBQH băn khoăn khi chúng ta đang nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, tiền số, tuy nhiên khung pháp lý cho hệ thống này lại chưa có và đây có thể là nơi rửa tiền...
ĐBQH Trịnh Xuân An

ĐBQH Trịnh Xuân An

Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tổ về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trong đó, nội dung về quản lý tiền ảo, chống rửa tiền được nhiều ĐBQH chung mối quan tâm.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn thực tế thời gian qua, chúng ta xác định chuyển đổi số sẽ chiếm 20% GDP, nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, tiền số, tuy nhiên, khung pháp lý cho hệ thống này thế nào thì chưa có.

“Có những game của chúng ta hiện nay được quy đổi ra tới khoảng độ 9,7 tỷ USD, nhưng phần lớn là các startups lại thành lập công ty ở Singapore mà không thành lập tại Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý” – ông Trịnh Xuân An dẫn chứng. Từ vai trò cũng như là tiềm năng của lĩnh vực này, đại biểu An đề nghị cần phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, tiền mã hóa và tài sản mã hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng bày tỏ băn khoăn khi dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) không đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Theo ông Vận, hiện chúng ta chưa công nhận tiền ảo nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.

Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác, trong đó có tiền ảo. Nếu không bổ sung loại tiền này thì đây có thể trở thành điểm rửa tiền.

Phát biểu thảo luận về nội dung này tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính (đoàn Cần Thơ) cũng đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu rằng, dù tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, do đó cần nghiên cứu có chế tài.

Thủ tướng cho biết, bản thân ông cũng rất sốt ruột về nội dung này bởi dù Việt Nam chưa công nhận nhưng trên thực tế có giao dịch. “Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và đề nghị nên giao Chính phủ quy định để đáp ứng với thực tế diễn biến rất nhanh.