Thủ tướng Chính phủ: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ phủ Phạm Minh Chính yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.
Thủ tướng phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022

Thủ tướng phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022

Tối 31/5, Uỷ ban Quốc gia vì trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022.

Buổi lễ có khoảng 1.200 đại biểu, trong đó có gần 700 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em tham dự.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lễ phát động "Tháng hành động vì trẻ em" và khai mạc hè năm 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi hàng chục triệu trẻ nhỏ vừa phải trải qua giai đoạn rất khó khăn của đại dịch Covid-19.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc 700 thiếu niên, nhi đồng có mặt đại diện tại buổi lễ và 25 triệu trẻ em trên toàn quốc cùng gia đình, các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, các cháu một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, vui tươi, bổ ích.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, đoàn thể và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine và hiện đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi.

Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng, được các cấp, các ngành và cả xã hội rất quan tâm, chăm lo. Chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được đông đảo các cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức quốc tế hưởng ứng tích cực...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu COVID-19 vẫn còn xảy ra trong xã hội.

Để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội.

Đối với gia đình, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi, mỗi gia đình hãy là “ngôi nhà xanh” hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Thực tế nhiều cháu đã bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, do chính người thân gây ra. Gia đình quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch Covid 19, tránh gây áp lực cho các em.

Đối với nhà trường, Thủ tướng mong mỏi, đó là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó các cháu không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn.

Đối với xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cụm từ “trách nhiệm và yêu thương trẻ”. Đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em. Đối với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, nhân ái…

Với thông điệp, "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động" Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.

Trong đó, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi cho trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em ảnh hưởng dịch COVID-19.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề "Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người". Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận.