Thủ tướng: Các bộ, ngành không được để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Phạm Minh chính nhắn nhủ với lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước rằng: “Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng các đồng chí để giao nguồn vốn, tài sản rất lớn thì phải làm thế nào để không phụ lòng tin đó".
Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp bên lề cuộc gặp mặt (Ảnh: VGP)
Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp bên lề cuộc gặp mặt (Ảnh: VGP)

Sáng 3-3, Thường trực Chính phủ tổ chức gặp mặt với các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu. Theo phát biểu mở đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc gặp này vừa là để tri ân, cảm ơn; vừa chia sẻ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để các doanh nghiệp Nhà nước vượt qua thách thức, phát huy tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Năm 2023 vừa qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng lên khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD. Những kết quả này có đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp Nhà nước.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Ảnh VGP)
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Ảnh VGP)

Ước tính kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước năm 2023 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ước thực hiện đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch được phê duyệt; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 125.847 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước là 166.218 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước.

Tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp Nhà nước tính đến trước cuối năm 2023 là 125.847 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Một số doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cao như Viettel, SCIC (đạt 225% so kế hoạch)…

Dù vậy, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục tái cấu trúc để thúc đẩy nhau phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư hơn 9 tỷ USD nhưng đến nay vẫn lỗ lũy kế lớn, doanh nghiệp và các cơ quan Việt Nam đã việc tích cực trao đổi với đối tác liên quan của Nhật Bản và Kuwait để đi đến thống nhất những nội dung tái cấu trúc trong thời gian tới.

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tân Cảng Sài Gòn (Ảnh VGP)
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo Tân Cảng Sài Gòn (Ảnh VGP)

Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước như Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… đã báo cáo định hướng phát triển, mục tiêu năm 2024 và các năm tiếp theo; đề xuất nhiều kiến nghị với các cơ quan nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh chính nhấn mạnh với các doanh nghiệp Nhà nước rằng: “Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng các đồng chí để giao nguồn vốn, tài sản rất lớn thì phải làm thế nào để không phụ lòng tin đó". Hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động.

Vì thế, những gì đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa, những gì chưa được thì khắc phục, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp Nhà nước với động lực mới, khí thế mới, cùng tiến bộ với cả nước. Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển doanh nghiệp nhà nước nhanh, bền vững, đúng hướng, góp phần thực hiện chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: VGP)

Nhắc thêm việc vừa qua một số doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý…, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm, nhưng không vì thế mà chùn bước.

“Phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới; phải chủ động hơn nữa đề ra những cách làm mới thì mới tăng tốc và vượt lên được” – Thủ tướng lưu ý với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng nhất định các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm được khi lãnh đạo các đơn vị này đều đã qua nhiều vị trí khác nhau, trải qua nhiều khó khăn, thách thức để trưởng thành, có đủ năng lực, trình độ để xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau để tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể…

"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay" - Thủ tướng nói.

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.