Thử thách kép với Thủ tướng Anh

ANTĐ - Chưa hết đau đầu với những cáo buộc trốn thuế liên quan đến vụ “Hồ sơ Panama”, Thủ tướng Anh David Cameron lại đang phải đối phó với làn sóng phản ứng của người dân vì các chính sách kinh tế.

Thử thách kép với Thủ tướng Anh ảnh 1Thủ tướng D. Cameron đang trong tình thế khó khăn

Hôm thứ bảy vừa rồi, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành ở Thủ đô London để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Những người biểu tình đã kéo về Quảng trường Trafalgar kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục và lương khu vực công, cũng như hành động để ngăn chặn tình trạng mất việc làm của hàng nghìn công nhân ngành thép ở Xứ Wales. 

Chưa hết, một số người biểu tình còn yêu cầu ông D. Cameron từ chức sau những tiết lộ trong “Hồ sơ Panama” rằng ông từng có cổ phần trong một quỹ ở nước ngoài do người cha quá cố của ông thành lập.

Mặc dù ông D. Cameron khẳng định đã bán những cổ phần ở nước ngoài trước khi lên nắm quyền vào năm 2010, đồng thời bác bỏ những cáo buộc cho rằng cha ông đã lập ra một quỹ cho riêng mình để tránh nộp thuế, nhưng sự nghi ngờ không vì thế mà giảm đi.

Đây có thể coi là thử thách kép với ông D. Cameron trong bối cảnh ông đang chật vật đưa nước Anh thoát khỏi trì trệ về kinh tế. Kể từ sau cuộc suy thoái năm 2008-2009, Chính phủ Anh mỗi năm đều đưa ra những dự báo về một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, song hầu như năm nào họ cũng gây thất vọng. Giờ đây, 7 năm sau khi cuộc “đại suy thoái” kết thúc, người ta phải thừa nhận rằng kinh tế Anh đang ở trong “thập niên bị đánh mất”, cụm từ dùng để ám chỉ thập niên kinh tế tăng trưởng yếu.

Lối thoát còn chưa rõ thì những mối đe dọa mới lại xuất hiện trước khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu ý dân về “đi hay ở lại EU” dự kiến sẽ diễn ra ngày 23-6 tới, nhưng hiện có tới 128/330 nghị sĩ Công đảng không ủng hộ mong muốn ở lại EU của ông Cameron.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, EU chiếm tới 53% thị trường nhập khẩu và 48% thị trường xuất khẩu của Anh. Một trong các đối tác chính của Anh là Đức, quốc gia chiếm tới 12,3% tổng kim ngạch thương mại của “xứ sở sương mù”, tiếp sau đó là Hà Lan với 7,5% và Pháp với 5,9%.

Chính vì thế, nếu rời khỏi EU, ước tính sản lượng kinh tế của Anh bị thiệt hại 100 tỉ bảng (145 tỉ USD) vào năm 2020, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Khoảng 950.000 việc làm bị mất, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2020 ở Anh sẽ cao hơn 2%-3% so với khi Anh vẫn ở lại EU. Thêm vào đó, nhiều công ty đa quốc gia hiện có trụ sở tại Anh cũng sẽ phải tính đến phương án di dời tới các quốc gia khác thuộc EU để được hưởng những lợi thế về tự do thương mại của toàn khối.

Biết rõ điều đó, ông D. Cameron đang nỗ lực vận động cử tri nước này tin rằng việc ở lại một thị trường chung gồm 500 triệu người tiêu dùng, được miễn thuế xuất khẩu và có thể tận dụng sức mạnh thương lượng của EU với các nền kinh tế lớn khác mang lại những lợi ích tốt nhất cho người Anh.

Ông cảnh báo rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Anh trong năm nay xuống 1,9% thay vì 2,2% đưa ra hồi tháng 1-2016, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng trong năm tới ở mức 2,2%.

Tuy nhiên, “Hồ sơ Panama” đang đặt ông D. Cameron vào tình thế bất lợi về niềm tin. Không thuyết phục được người dân và cả nội bộ đảng Bảo thủ của ông nói “không” với quyết định rời khỏi EU, kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi đó, tương lai chính trị của ông D. Cameron sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.