Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT vẫn băn khoăn lo mất quyền

ANTD.VN - Một trong những lý do khiến tiến độ thu phí tự động không dừng- ETC bị chậm là do phía các nhà đầu tư BOT còn nhiều băn khoăn khi phải giao quyền thu phí cho một doanh nghiệp khác.

700.000/3,5 triệu ô tô dán thẻ thu phí không dừng

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, cả nước có khoảng 90 trạm thu phí BOT, đang áp dụng hình thức thu phí thủ công. Từ 2014, Chính phủ đã chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn rất thiếu. Hơn nữa, quá trình thực hiện kêu gọi không có nhà đầu tư nào tham gia. Đến hết thời hạn theo định chỉ có một nhà đầu tư là Công ty thu phí tự động VETC.

“Thông tin cho rằng, Bộ GTVT độc quyền trong việc triển khai thu phí ETC dẫn đến sự chậm trễ là không đúng” - Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Tuy vậy, ông Thọ cũng cho biết, đúng theo tinh thần chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, các trạm thu phí BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh cũng như các tuyến quốc lộ khác sẽ triển khai thu phí ETC từ cuối năm nay.

Nhà đầu tư BOT qua 4 năm vẫn lăn tăn về thu phí tự động không dừng

Dù đến nay đã có 26 trạm BOT triển khai thu phí ETC ít nhất ở 2 làn nhưng qua 4 năm triển khai, khuyến khích mới chỉ có khoảng 700.000 xe dán thẻ Etag trên tổng số hơn 3,5 triệu xe.

Trong đó, chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí ETC.  Số lượng lớn xe chưa dán thẻ Etag là ở Hà Nội và TP.HCM.

Lo ngại mất quyền tại dự án BOT

Bày tỏ về việc không phải chủ đầu tư BOT không muốn thu phí không dừng vì e ngại minh bạch như dư luận nghi ngại, ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả cho rằng, các nhà đầu tư  BOT hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Song, trong quá trình triển khai có một số bất cập vẫn chưa được giải quyết cũng như chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo đó, ông Thế lấy dẫn chứng, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân vẫn rất lớn, do đó cần xem xét lại về mức độ đầu tư làn thu phí ETC tại các trạm, tránh dẫn đến lãng phí, cần đưa ra lộ trình phù hợp.

Ngoài ra, nhà đầu tư Đèo Cả tính toán, nếu hơn 3 triệu phương tiện cùng dán thẻ Etag, nộp tiền vào tài khoản ETC thì số tiền sẽ là rất lớn, lến tới cả nghìn tỷ đồng. Như vậy, người dân có được tính lãi?

Đặc biệt, ông Thế đặt vấn đề, khi Công ty VETC thu phí hộ các nhà đầu tư BOT thì 1 ngày mới chốt doanh thu và chuyển về tài khoản của nhà đầu tư BOT, số tiền để ở ngân hàng 1 ngày phát sinh lãi thì ai được hưởng?

“Tuy vậy, cái mà các nhà đầu tư BOT không yên tâm nhất là phải bàn giao toàn bộ trạm BOT cho nhà thu phí ETC, khi phát sinh vấn đề thì bên nào chịu trách nhiệm?.

Hơn nữa, VETC cũng là doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng làm dự án, vậy khi VETC không trả được nợ vay này, ngân hàng có siết nợ bằng cách giữ tiền thu phí của các nhà đầu tư BOT không”?.

Bởi vậy, ông Thế đề xuất, nên chăng VETC chỉ làm đúng vai trò bán công nghệ, dán thẻ Etag còn lại việc thu phí và dòng tiền thu phí hàng ngày vẫn đổ về nhà đầu tư BOT.

Trả lời về các vấn đề này, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho VETC.

Hơn nữa, trên thực tế, người sử dụng chuyển tiền vào tài khoản trả trước để sử dụng dịch vụ trước hết phục vụ lợi ích cho chính người sử dụng dịch vụ đó.

Vì khi đi qua trạm thu phí không dừng, sẽ giúp giảm thiểu thời gian lưu thông, thời gian chờ cũng như giảm ô nhiễm môi trường.  Còn số tiền thu phí mỗi ngày thì lãi tính theo lãi suất gửi không kỳ hạn cũng rất thấp, không đáng kể.

Không có chuyện mỗi ngày thu phí cả nghìn tỷ đồng

Trước băn khoăn của nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, nhiều nhà đầu tư BOT băn khoăn khi VETC xuất hiện, thẩm quyền của mình còn đến đâu, chủ động hay không?

“Tôi khẳng định là Chính phủ, xã hội đang rất cần minh bạch trong thu phí. Nguồn thu không chỉ được một chủ thể quản lý mà là nhiều chủ thể, trong đó có cả sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chúng ta đang làm đúng chỉ đạo của Chính phủ, ngoài nhà đầu tư còn có ngân hàng, người dân giám sát. Đã đến lúc phải công khai minh bạch để dư luận xã hội giám sát và khi nói đến BOT không còn gì gợn nữa.

Vừa qua, chúng tôi đã trình Thủ tướng ban hành cơ chế để VETC được hưởng từ nguồn độc lập, không liên quan và ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nhà đầu tư BOT.

Tất cả mọi việc liên quan đến các trạm thu phí sau này đều sẽ thông qua hệ thống hợp đồng kinh tế dân sự để thực hiện.

Về tiền thu phí đổ về tài khoản của VETC tại ngân hàng, mọi người cứ nói hàng nghìn tỷ đồng gửi qua đêm ai hưởng lãi. Xin thưa, làm gì có chuyện đó. 99 trạm BOT trên cả nước,  ước một ngày doanh thu cũng chỉ khoảng 100 tỷ đồng”- ông Thọ nhấn mạnh.