Xe công phải nêu gương dán thẻ thu phí tự động không dừng?

ANTD.VN -Thông tin mới nhất từ Bộ GTVT cho biết, trong năm 2019, Bộ này sẽ hoàn tất triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) trên tất cả các trạm BOT do Bộ quản lý. 

Không độc quyền trong đấu thầu

Bộ GTVT cho biết, dự án thu phí tự độngkhông dừng tại các trạm BOT giai đoạn 1 có 44 trạm, trong đó 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; 18 trạm thuộc các tuyến quốc lộ và cao tốc khác.

Bộ này cho hay, đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đúng theo quy định. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện DA giai đoạn 1 đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tasco và VECT (Công ty con của Tasco). Theo Bộ GTVT, trong thời gian Bộ GTVT đăng tải kêu gọi nhà đầu tư chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện DA giai đoạn 1.

“Như vậy, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT do Bộ GTVT quản lý được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, không có sự độc quyền trong quá trình thực hiện”- đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Về tiến độ triển khai thu phí ETC tại 26 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng sẽ hoàn thành trong năm 2019.  Giai đoạn 2 có 33 trạm BOT, trong  đó 10 trạm trên QL1 và 23 trạm trên các tuyến  quốc lộ còn lại. Chiều nay, 7/3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức mở thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu thực hiện.

Bộ GTVT khẳng định, trong năm 2019 sẽ hoàn tất việc thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT do Bộ quản lý

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiết lộ, trong giai đoạn 2, sẽ ưu tiên các tập đoàn viễn thông tham gia, bởi đây là các doanh nghiệp đã có sẵn hạ tầng, đường truyền “khủng” việc triển khai sẽ nhanh hơn, đảm bảo được tiến độ của Thủ tướng đưa ra.

“Với tình hình hiện nay, tôi có thể khẳng định, cuối năm 2019 sẽ hoàn thành thu phí tự động không dừng trên các tuyến quốc lộ” –ông Thể cho hay.

Xe công của Bộ GTVT cũng chưa dán thẻ thu phí ETC

Trong khi đó, đến nay, thu phí tự động không dừng đã được lắp đặt tại 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chính Minh qua Tây Nguyên nhưng tỷ lệ xe sử dụng thu phí ETC khi qua trạm chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại vẫn dùng tiền mặt.

Đáng kể, trong khi Chính phủ, Bộ GTVT khuyến khích người dân sử dụng thu phí ETC thì một lượng rất lớn xe công của Nhà nước lại chưa hề dán thẻ ETC, thậm chí xe công của chính Bộ GTVT cũng chưa dán thẻ ETC.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị, cần có chế tài để bắt buộc các nhà đầu tư BOT đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng và triển khai lắp đặt thu phí ETC. Nếu doanh nghiệp BOT nào cố trình chây ì không triển khai  có thể dừng thu phí.

Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng, quy định làn thu phí ETC chỉ dành riêng cho xe đã dán thẻ ETC lưu thông, xe sử dụng tiền mặt thu phí thủ công đi vào sẽ bị xử phạt như lỗi đi sai làn đường, như vậy mới thấy rõ được tính ưu việt của thu phí không dừng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, các nhà đầu tư đường cao tốc, nếu đến 31/12/2019 mà chưa lắp đặt xong công nghệ, tổ chức thu phí ETC sẽ dừng không cho thu phí. Bộ sẽ không nương tay hay nghe nhà đầu tư giải trình nữa.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo tất cả xe công của Nhà nước (kể cả xe của lực lượng vũ trang) phải dán thẻ ETC, chậm nhất là ngày 30/6 toàn bộ xe công của Nhà nước phải được dán thẻ ETC và sử dụng thu phí ETC.

Đặc biệt, Bộ GTVT đang làm việc với các ngân hàng để tổ chức thực hiện theo hướng, kết nối trực tiếp tài khoản ngân hàng của người dân với tài khoản ETC, đồng thời yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC có cơ chế nhắn tin  tới số điện thoại cá nhân của người sử dụng thông báo khi tài khoản hết tiền, để người dân chủ động nạp.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị và doanh nghiệp thu phí ETC nghiên cứu đến việc, phát thẻ ETC cho các showroom bán ô tô, nhà sản xuất ô tô để khi bán xe cho khách hàng là được dán thẻ thu phí ETC luôn.