Thủ đoạn môi giới, mua bán bộ phận cơ thể người ngày càng tinh vi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại diện Bộ Y tế và đại diện Bộ Công an cùng khẳng định, hành vi môi giới, mua bán mô tạng, bộ phận cơ thể người có xu hướng tăng và các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi hơn...
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo

Ngày 6-2, Bộ Y tế cùng Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về Đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tính đến 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng.

Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Vì thế, đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để ngăn chặn, phòng ngừa.

Thông tin thêm về tình trạng này tại hội thảo, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5 - Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, đối tượng phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các bệnh viện phẫu thuật ghép tạng.

Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán một cách bí mật. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống "chân rết" để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể.

Nhiều đối tượng còn lập lên hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi tại các khu nhà trọ, nhà thuê để chờ bán thận. Với mỗi trường hợp môi giới, tổ chức mua bán thành công, các đối tượng hưởng lợi từ 150 đến 250 triệu đồng…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ Luật Hình sự; cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người…