Thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao

(ANTĐ) - Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao thường tập trung sử dụng một số thủ đoạn. Đó là: Sử dụng máy tính, mạng máy tính để thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao

(ANTĐ) - Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao thường tập trung sử dụng một số thủ đoạn. Đó là: Sử dụng máy tính, mạng máy tính để thực hiện hành vi phạm tội.

Thủ đoạn phổ biến ở dạng này là truy cập vào cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, ngân hàng để lấy thông tin, bán cho người khác hoặc dùng để mua hàng từ nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam, tổ chức cá độ bóng đá, đánh bạc trên mạng, chuyển tiền sang tài khoản ảo, rút tiền qua máy ATM hoặc người nước ngoài đi du lịch vào Việt Nam, sử dụng hộ chiếu giả, thẻ tín dụng giả hoặc thông đồng với các đại lý chấp nhận thẻ để thanh toán các dịch vụ khách sạn, mua hàng, đặt tour du lịch... Một số đối tượng lừa đảo qua mạng thông qua việc huy động vốn, đầu tư kinh doanh ảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo trong việc bán hàng trực tuyến trên mạng Internet ngày càng gia tăng vì người mua phải trả tiền trước, người bán thường chào hàng tốt, sau đó lại giao hàng kém mẫu mã, phẩm chất thậm chí không giao hàng sau khi nhận tiền hoặc trả tiền bằng thẻ tín dụng trộm cắp được. Một số công ty ở Việt Nam đã bị lừa hàng triệu đôla Mỹ khi ký hợp đồng làm ăn với đối tác nước ngoài qua mạng. Ban đầu đối tác thường thực hiện đúng cam kết để tạo lòng tin, khi lượng tiền chuyển mua hàng đã lớn, đối tượng lập tức rút tiền, không giao hàng, cắt liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.

 Rất nhiều đối tượng người nước ngoài gốc Phi nhập cảnh vào Việt Nam theo con đường du lịch, ở TP.HCM sử dụng thẻ tín dụng trộm cắp được để rửa tiền, rút tiền, gửi thư lừa đảo trúng thưởng xổ số lớn, đề nghị nhận hộ tiền thừa kế, thông báo nhận hàng từ nước ngoài về... để người bị lừa tưởng nhận được số tiền lớn với điều kiện phải chuyển trước một số tiền để làm thủ tục. Gần đây cũng bùng nổ hiện tượng tin nhắn lừa đảo, gửi thư điện tử lừa đảo, tống tiền, khủng bố, phá hoại, đe dọa, quấy rối... Nhiều đơn vị cũng cấp số tổ chức nhắn tin trúng thưởng, mê tín dị đoan, tư vấn tình dục, đồi trụy... với giá mỗi tin nhắn tới 15.000 đồng. Việc lập trang tin điện tử phát tán phim ảnh đồi trụy, tuyên truyền tài liệu phản động, cá độ bóng đá, buôn bán ma túy... cũng diễn ra phức tạp.

Trong lĩnh vực an ninh, an toàn mạng, hoạt động của tội phạm và các thế lực thù địch đã có chiều hướng thay đổi một cách rõ nét, thông qua Internet để phá hoại chính trị hoặc trục lợi bằng cách tấn công, xâm nhập, lấy cắp, phá hoại, phá hoại dữ liệu, đưa thông tin nhạy cảm trái phép lên mạng, tấn công từ chối dịch vụ... Đã xuất hiện tại Việt Nam một số virus siêu đa hình, khi lây nhiễm sẽ tự động biến đổi, tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virus. Đã phát hiện một số phần mềm gián điệp quét, tìm và khai thác lỗ hổng bảo mật, điều khiển từ xa, có chức năng lấy mọi thông tin lưu trong máy tính, phá hủy dữ liệu, ghi âm thanh, lấy thông tin mật khẩu, thông tin cá nhân... và gửi tất cả dữ liệu thu được cho đối tượng qua thư điện tử. Các phần mềm này hoạt động ngầm trên máy, rất khó phát hiện, trong đó USB là nguồn lây nhiễm, phát tán phổ biến nhất do có chức năng cho phép kích hoạt tự động.

Dự báo trong thời gian tới  tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ diễn biến rất phức tạp với những thủ đoạn mới đa dạng và tinh vi hơn. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng mạng Internet để phát tán thông tin gây phương hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta, tấn công hạ tầng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, kinh doanh thương mại điện tử, trộm cắp thông tin, lừa đảo qua mạng trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chứng khoán, thẻ tín dụng, phát triển mạng máy tính ma để tấn công từ chối dịch vụ, gửi thư rác vào không gian mạng với quy mô lớn, phát tán virus, phần mềm gián điệp để trộm cắp thông tin, bí mật quốc gia, sử dụng mạng máy tính để buôn bán hàng cấm, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, quấy rối, xâm phạm đời tư...

Các đối tượng trong nước và quốc tế sẽ tăng cường kết hợp tấn công với công nghệ mới và liên tục thay đổi để tránh bị phát hiện như tấn công mục tiêu qua trung gian, sử dụng phần mềm, công nghệ tạo địa chỉ giả để che giấu nguồn gốc truy nhập, sử dụng hòm thư điện tử miễn phí hoặc lấy cắp của người khác, sử dụng sơ hở, lỗ hổng bảo mật từ nội bộ...

Do vậy, trong thời gian tới ngoài việc hoàn thiện pháp luật và sự phối hợp đấu tranh của các cơ quan chức năng thì mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ quan cần chủ động tìm hiểu, nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động và xu hướng thay đổi của tội phạm công nghệ cao để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế tối đa sự xâm hại của loại tội phạm này, không tự biến mình thành “con mồi béo bở” để bọn tội phạm trục lợi hoặc xâm hại, đồng thời cần chủ động báo tin và hợp tác chặt chẽ với các lực lượng chức năng để truy tìm, xử lý triệt để tội phạm khi có vụ việc xảy ra.

Trần Dung